Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ủy ban của Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết về phê chuẩn Hiệp định EVFTA

(Dân sinh) - Chiều ngày 21/01/2020 (giờ Việt Nam), Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đề nghị Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU).

Kết quả bỏ phiếu cho thấy các Hiệp định EVFTA và EVIPA có được sự ủng hộ của đa số các nghị sỹ INTA. Tỷ lệ bỏ phiếu thuận cho hai Hiệp định tại INTA được đánh giá là cao nhất so với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác.

Điều này thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của các nghị sỹ và các quốc gia thành viên EU đối với các hiệp định cũng như vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Việc ký các hiệp định EVFTA và EVIPA với EU là kết quả quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua.

Đây là những hiệp định được đánh giá là toàn diện nhất giữa EU với một nước đối tác đang phát triển với mức độ cam kết sâu rộng, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết về phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA - Ảnh 1.

Tỷ lệ bỏ phiếu thuận cho hai Hiệp định tại INTA được đánh giá là cao nhất so với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác

Theo một số nghiên cứu, Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đe dọa sự phát triển ổn định của kinh tế thế giới và các khu vực, Hiệp định EVFTA và EVIPA là thông điệp cụ thể của Việt Nam và EU ủng hộ và thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ, bình đẳng, cùng có lợi.

Thông qua các Hiệp định, Việt Nam có cơ hội tận dụng các cam kết về tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và phát triển bền vững để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, đa dạng hóa thị trường, đối tác và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Về phía EU, các Hiệp định được đánh giá sẽ góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác giữa EU và các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có các nước ASEAN. 

Trong tiến trình phê chuẩn EVFTA và EVIPA, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và các cơ quan liên quan chú trọng lồng ghép nội dung trao đổi về EVFTA và EVIPA vào các hoạt động tiếp xúc giữa Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta với Lãnh đạo EU trong khuôn khổ song phương và bên lề các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn kinh tế tế giới (WEF), các diễn đàn liên nghị viện...

"Tỷ lệ bỏ phiếu thuận cho hai Hiệp định tại INTA được đánh giá là cao nhất so với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác"

"Tỷ lệ bỏ phiếu thuận cho hai Hiệp định tại INTA được đánh giá là cao nhất so với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác"Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và các Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an… tích cực trao đổi với các cơ quan đối tác EU về những vấn đề cùng quan tâm liên quan đến các hiệp định, bao gồm chuẩn bị thực thi các cam kết về thương mại-đầu tư, phát triển bền vững, lao động, cơ chế giám sát và thực thi hiệp định…

Đồng thời, Đại sứ quán- Phái đoàn ta tại Bỉ và EU và các Cơ quan đại diện ta tại các nước EU đã tích cực triển khai các hoạt động thông tin, trao đổi về EVFTA và EVIPA với các nghị sỹ và các đối tác sở tại nhằm thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hai Hiệp định.

Với sự ủng hộ của các nghị sỹ INTA, hồ sơ phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ sớm được trình lên Nghị viện Châu Âu xem xét phê chuẩn trong thời gian tới.

Hiệp định EVFTA: Đường cao tốc giữa Việt Nam - EU, mở ra chân trời mới

Còn nhớ, thời khắc lịch sử chiều ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, lễ ký kết Hiệp định EVFTA đã chính thức hứa hẹn mở ra một chương mới giữa VN- EU.

Nhưng không chỉ là với nhà đầu tư EU, Hiệp định EVFTA và EVIPA, có thể nói, sẽ là sự bảo đảm cho một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư toàn cầu nói chung.

Đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết, việc chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng này đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU; khi có hiệu lực, 2 Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa hai bên.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam trong sáng 30/6/2019, khi đang dự G20 đã từ Nhật Bản bay về Việt Nam để chứng kiến lễ ký 2 hiệp định EVFTA và EVIPA, để rồi ngay sau khi kết thúc sự kiện mang ý nghĩa lịch sử đó, lại bay tới Tokyo để tiếp tục dự G20.

Tháp tùng Thủ tướng quay trở lại Nhật Bản lần này còn có Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng- người vừa trực tiếp ký kết Hiệp định EVIPA.

Để có được lễ ký kết trên tại Hà Nội, như đánh giá của các chuyên gia là nhờ sự nỗ lực không ngừng của chúng ta, mà đáng kể nhất là chuyến đi mở "chốt" chặn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tiếp ngay sau các chuyến thăm tới EU của lãnh đạo cấp cao nước ta. Cái chốt được mở ra trong chuyến đi Châu Âu của Thủ tướng cuối tháng 5/2019, khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gặp người đồng nghiệm Tây Ban Nha để giải quyết nốt những bất đồng liên quan đến đầu tư và thương mại của nước này.

Và trong hai ngày 20- 21/6/2019 đáng nhớ ấy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, với tư cách Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc tại Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Bỉ nhằm thúc đẩy việc ký kết EVFTA.

Sự kiện một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về lao động. Khi đó, phía EU và Bỉ đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực trong việc phê chuẩn gia nhập Công ước 98 của ILO và sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Phía EU coi đây là một trong những điều kiện có tính quyết định để xem xét đồng ý ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết Hiệp định EVFTA với Việt Nam.

Những nỗ lực không mệt mỏi của phía Việt Nam và cả EU đã đưa đến kết quả sau gần 10 năm đàm phán, chính thức ký kết EVFTA tại Hà Nội vào chiều ngày 30/6 năm qua.

Có thể nói, Hiệp định EVFTA, và Hiệp định IPA đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý- thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là "cú huých" rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Cùng với đó, thực tế đã khẳng định, FDI của EU là một trong những nguồn lực mới tạo sức đẩy "cỗ đại xa đổi mới" Việt Nam tăng tốc trên xa lộ hội nhập.

EVFTA chính là công cụ tạo xung lực để Việt Nam mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bổ sung hàng cho thị trường nội địa; mở mang xuất nhập khẩu - hội nhập quốc tế và tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao.