Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xin thoát nghèo nhường suất nghèo cho người khác khổ hơn mình

(Dân sinh) - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong ông Trần Nam Thuần, phấn khởi cho biết, những hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo là những hộ gia đình rất quyết tâm trong cuộc sống. Đây là hành động rất đáng biểu dương và cần phải nhân rộng.

Toàn xã Quảng Khê huyện ĐắkGlong tỉnh Đắk Nông có 1.095 hộ hộ nghèo nhưng đã có 247 hộ làm đơn tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo. Vào cuối tháng 10/2019, tại thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'long đã diễn ra cuộc họp toàn thôn. Tại cuộc họp này, sau khi nghe phổ biến về việc xét hộ nghèo năm 2020, nhiều hộ gia đình đã làm đơn xin thoát khỏi nghèo.

Nhóm phóng viên đã gặp những hộ làm đơn xin thoát nghèo như, Bà Bùi Thị Xuân (Sinh năm 1967, thôn 8, xã Quảng Khê) cho biết, gia đình bà sau khi nghe phổ biến về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

Xin thoát nghèo nhường suất nghèo cho người khác khổ hơn mình - Ảnh 1.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch huyện Đắk G'long trong một buổi trao quà cho hộ nghèo( Ảnh Hải Dương)

Theo bà Bùi Thị Xuân, trước đây khi mới từ tỉnh Tuyên Quang vào tỉnh Đắk Nông sinh sống, gia đình chỉ có hai mẹ con nên hoàn cảnh neo đơn, kinh tế rất khó khăn, với bản chất chịu thương chịu khó, không đầu hàng trước hoàn cảnh, bà Bùi Thị Xuân đã mạnh dạn mượn 1ha đất để sản xuất cà phê ngay mặt tiền quốc lộ 28, đồng thời tăng gia sản xuất, bán quán nước, bánh kẹo, sau một thời gian, do chăm chỉ làm lụng nên kinh tế gia đình bà Bùi Thị Xuân bắt đầu khấm khá ổn định hơn, bà quyết định viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. "Dù còn khó khăn nhưng kinh tế vẫn hơn nhiều hộ gia đình khác nên bản thân tôi đã viết đơn xin thoát nghèo, nhường suất này cho người khác còn khổ hơn mình", bà Bùi Thị Xuân tâm sự.

Đối với gia đình anh Trần Văn Hùng (Sinh năm 1973) lại khác hơn, gia đình anh thuộc những hộ dân đầu tiên xin thoát nghèo ở thôn 8 xã Quảng Khê.

Anh Trần Văn Hùng sinh ra trong gia đình gồm 11 người con tại tỉnh Đồng Nai, do hoàn cảnh khó khăn nên tới năm 2009, anh Trần Văn Hùng cùng vợ con rời quê hương lên tỉnh Đắk Nông lập nghiệp.

Thời gian đầu lên đây, hai vợ chồng anh Trần Văn Hùng thường xuyên đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống, với tinh thần chịu thương chịu khó làm ăn nên một thời gian sau gia đình anh đã gom góp mua được 1ha đất để trồng cà phê và hồ tiêu.

"Với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và trao cơ hội được hỗ trợ cho những hộ dân khác, đồng thời tạo động lực cho cả gia đình làm kinh tế, không trông chờ, ỷ lại như trước đây nên tôi làm đơn xin thoát nghèo", anh Trần Văn Hùng chia sẻ.

Xin thoát nghèo nhường suất nghèo cho người khác khổ hơn mình - Ảnh 2.

Vườn chanh dây phát triển kinh tế tại địa phương ( Ảnh Hải Dương)

Việc có nhiều hộ gia đình đồng loạt viết đơn xin thoát nghèo tại một địa phương thuộc huyện 30a ở tỉnh Đắk Nông, cho thấy bản chất chịu thương chịu khó, không đầu hàng trước hoàn cảnh, vượt qua khó của bà con và sự nỗ lực của chính quyền các cấp nơi đây.

Không muốn làm 'gánh nặng' cho Nhà nước, hàng trăm hộ dân thuộc xã Quảng Khê (huyện Đắk G'long, Đắk Nông) đã đồng loạt viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Đối với thôn 8 xã Quảng Khê, toàn thôn có tổng số 300 hộ dân nghèo, hiện nay đã có 66 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Trưởng thôn 8, ông Lê Trọng Thảo cho biết, đầu tiên chỉ có vài hộ dân làm đơn xin thoát nghèo, từ vài hộ dân này sức lan tỏa lên gấp nhiều lần. "Noi gương những hộ dân đi đầu, nhiều hộ khác nhận thấy điều kiện kinh tế không còn quá khó khăn như trước đây nên đồng loạt làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo...", ông Thảo cho hay.

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Kiện - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Quảng Khê, cho biết địa phương không vì người dân đã có đơn xin thoát nghèo mà chạy theo thành tích. Chúng tôi chỉ đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nếu hộ nào đủ điều kiện, đời sống kinh tế không khó khăn". "Hành động của người dân đã góp phần xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Việc làm này cũng đã tạo động lực lớn cho các hộ nghèo khác trong xã phấn đấu vươn lên", ông Kiện tâm sự. Trước việc này, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông cho biết, những hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo là những hộ gia đình rất quyết tâm trong cuộc sống. Đây là hành động rất đáng biểu dương và cần phải nhân rộng. "Mặc dù các hộ dân đã viết đơn xin thoát nghèo, tuy nhiên địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ các gia đình này phát triển kinh tế".