Giải cứu nạn nhân bị mua bán cần sự chung tay của nhiều cơ quan
Thời gian vừa qua, công tác giải cứu nạn nhân bị mua bán đã được các cơ quan chức năng quan tâm. Tuy nhiên, con số nạn nhân được phát hiện, giải cứu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Việc giải cứu các nạn nhân bị mua bán gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng chức năng phải phối hợp cả trong và ngoài nước để có thể giải cứu thành công.
Đơn cử như trường hợp nạn nhân N ở Hà Tĩnh, 5 đơn vị đã phải cùng vào cuộc để có thể giải cứu thành công.
Ngày 28/9/2023, một người phụ nữ gọi đến Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 thông báo cháu gái của mình tên là N, 25 tuổi, quê ở Hà Tĩnh ra Hà Nội làm việc, sau đó bị lừa sang Campuchia vào ngày 25/9/2023.
Thời điểm gia đình gọi điện đến Đường dây nóng, em N đã trốn thoát được và đang ở đồn công an Campuchia, các đối tượng lừa đảo vẫn rình rập bên ngoài.
Ngay khi nhận được thông tin, Đường dây nóng đã chuyển thông tin đến Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tổ chức Hagar Việt Nam đề nghị xác minh và trợ giúp nạn nhân. Hagar Việt Nam đã làm việc với Hagar Campuchia và công an địa bàn Sihanouk để tiếp cận trường hợp.
Hagar Campuchia làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanouk để tìm hiểu, chia sẻ thông tin và đề xuất phối hợp hỗ trợ khẩn cấp về nhu yếu phẩm, sức khỏe, tâm lý cũng như hỗ trợ hồi hương cho em N. Đến ngày 29/9/2023, em N đã trở về nhà an toàn ở Hà Tĩnh.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng
Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khi trở về, ngày 18/7/2022, 4 bộ gồm Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Hiện nay, có 40 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Theo đó Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố hướng dẫn các Phòng LĐ-TB&XH phân loại (độ tuổi, giới tính, dân tộc, mục đích bị mua bán, nhu cầu của nạn nhân…), chuyển tuyến đến các Trung tâm công tác xã hội/ Cơ sở bảo trợ xã hội/ Ngôi nhà Ánh Dương của ngành LĐ-TB&XH;
Ngôi nhà Bình Yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) hoặc các tổ chức phi Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ hoặc chuyển tuyến về đoàn tụ với gia đình theo nguyện vọng của nạn nhân.
Đối với nạn nhân cư trú ở địa bàn nội địa, lực lượng biên phòng thông báo cho ngành LĐ-TB&XH địa phương và trao đổi với Công an tỉnh để phối hợp tiếp nhận, điều tra, hỗ trợ nạn nhân khi về đến địa phương.
Nếu nạn nhân có nhu cầu học tập tiếp hoặc học nghề, tìm việc làm, cán bộ địa phương, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH và Phòng Trẻ em (với nạn nhân là trẻ em) sẽ kết nối với các trường học, trường nghề, các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ để hỗ trợ nạn nhân, giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, số người được tiếp nhận, xác minh là 741 người, xác định 447 người là nạn nhân bị mua bán, trong đó 100 người bị mua bán trong nước và 347 người bị bán ra nước ngoài. Trong số đó, 260 nạn nhân là nữ và 187 nạn nhân là nam.
Dựa trên nhu cầu của nạn nhân, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ được 417 người, trong đó 213 người được bảo vệ an toàn, 343 người được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 273 người được hỗ trợ chi phí đi lại, 184 người được hỗ trợ y tế, 101 người được hỗ trợ pháp lý, 233 người được hỗ trợ tâm lý, 69 người được trợ cấp khó khăn ban đầu, 18 người được hỗ trợ vay vốn, và 18 người được hỗ trợ việc làm.
Việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình. Các bậc phụ huynh nếu có con em bị mua bán, sau khi trẻ trở về nhà, cần lưu ý: - Không đổ lỗi cho nạn nhân vì bất cứ lý do nào. Trẻ bị lừa mua bán do các em còn thiếu nhận thức, thiếu kinh nghiệm sống, trong khi đó thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người thì ngày càng tinh vi, xảo quyệt. - Thường xuyên trò chuyện, lắng nghe con để hiểu được tâm tư và nguyện vọng của trẻ. - Quan sát xem con có biểu hiện tâm lý bất thường không, nếu có thì báo ngay cho Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 hoặc cán bộ địa phương để được hỗ trợ về chuyên môn. |
Bình Yên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 14