Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ba địa phương miền Trung bàn cách tìm lại “con gà đẻ trứng vàng”

Sáng 31/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành - Huế, Điểm đến an toàn và thân thiện”. Tại sự kiện, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam đã cùng nhau bàn cách tìm lại sự tăng trưởng cho ngành du lịch, mà người ta vẫn ví là “con gà đẻ trứng vàng”.

Ba địa phương miền Trung bàn cách tìm lại “con gà đẻ trứng vàng” - Ảnh 1.

Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020

Theo Ban tổ chức, Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ, các chuyên gia du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho chương trình phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Diễn đàn hướng đến các mục tiêu đánh giá khả năng hồi phục du lịch Thừa Thiên - Huế; xác định các đối tượng/thị trường khách trở lại Huế và Miền Trung trong bối cảnh hiện nay và hậu dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, ngành du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam giữ vai trò quan trọng đối với kinh tế và phát triển du lịch của cả nước, là điểm kết nối quan trọng và là động lực phát triển liên kết du lịch giữa các vùng. Trong những năm qua, du lịch của 3 địa phương đã đóng góp đáng kể vào doanh thu du lịch của cả nước.

Ngành du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được thực hiện từ hơn 10 năm trước là mô hình thành công của cả nước.

Ba địa phương miền Trung bàn cách tìm lại “con gà đẻ trứng vàng” - Ảnh 3.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, lượng khách du lịch đến Việt Nam nói chung và 3 địa phương nói riêng đã giảm sút rất mạnh. Mặc dù dịch bệnh Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng du lịch quốc tế vẫn đình trệ do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các thị trường khách quốc tế còn đóng cửa.

Theo dự báo từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Từ dự báo này cũng như qua các khảo sát đánh giá và thực tế gần đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất, tập trung vào vấn đề làm thế nào để kích cầu du lịch nội địa, để du lịch nội địa bù đắp được cho việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế, giảm bớt thiệt hại cho các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

"Liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch. Điều đó càng thể hiện rõ trong giai đoạn phục hồi du lịch thời kỳ hậu dịch COVID-19. Hơn lúc nào hết, cần thiết phải có sự chung tay góp sức của các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương phải tỏ rõ quyết tâm, phải thật sự vào cuộc với tinh thần hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau, đoàn kết hợp tác để đưa sự nghiệp du lịch của 3 địa phương nói riêng và của cả nước nói chung vượt qua khó khăn thời kỳ dịch bệnh, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước", ông Thọ nêu rõ.

Ba địa phương miền Trung bàn cách tìm lại “con gà đẻ trứng vàng” - Ảnh 4.

Du lịch - "con gà đẻ trứng vàng" đang chịu cảnh "đìu hiu" do dịch COVID-19

Để đưa ngành du lịch trở lại sau dịch COVID-19, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho rằng, các địa phương cần triển khai các gói kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch… Chú trọng công tác truyền thông về đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.

Đối với thị trường quốc tế, cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi được cho phép. Hậu dịch CoVID-19, các thị trường khách gần từ các nước trong khu vực, là thị trường trọng điểm của Việt Nam, có khả năng khôi phục và tăng trưởng nhanh trở lại (bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực). Trong thời gian đầu, cần chú trọng hướng tới đối tượng khách du lịch MICE, khách công tác ngắn ngày, nghỉ dưỡng cao cấp, khách đi lẻ và theo nhóm nhỏ.

Các địa phương cũng phải thay đổi sản phẩm du lịch theo xu hướng lựa chọn của du khách, chuẩn bị các gói sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương sẵn sàng tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch do đơn vị này tổ chức tại các thị trường nước ngoài trọng điểm, cùng chung tiếng nói, quảng bá "du lịch Việt Nam an toàn" ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế toàn cầu.

Ba địa phương miền Trung bàn cách tìm lại “con gà đẻ trứng vàng” - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, vừa qua, Bộ đã phát động Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm kích cầu du lịch nội địa bước đầu đang được các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và toàn ngành ủng hộ. Nhiều hoạt động đã được triển khai sôi nổi. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức hoặc lên kế hoạch triển khai chương trình kích cầu du lịch tại địa phương như: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Bình…

Theo Thứ trưởng, thương hiệu du lịch Huế hiện đang phát triển mạnh mẽ với những nét về truyền thống, văn hóa và con người xứ Huế. Vì vậy, với những nỗ lực và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng sự ủng hộ, kết nối của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch… Ông tin tưởng rằng các hoạt động kích cầu của Thừa Thiên - Huế và các địa phương miền Trung sẽ nhận được sự quan tâm, tham gia của người dân cả nước, từng bước khôi phục ngành du lịch của tỉnh.

Diễn đàn cũng đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp về phục hồi và phát triển du lịch hậu dịch COVID-19 từ các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch.