Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bài học trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn Yên Bái

(Dân sinh) - Yên Bái đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó nền tảng chính là đội ngũ giáo viên dạy nghề và đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó chất lượng lao động nông thôn đã có bước cải thiện đáng kể.

Bài học trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn Yên Bái - Ảnh 1.

Dạy nghề nuôi ong cho LĐNT huyện Mù Cang Chải, Yên Bái

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 464 giáo viên đang giảng dạy tại các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện. Chia theo cơ cấu trình độ: Tiến sỹ, thạc sỹ 125 người (chiếm 26,9%), đại học 306 người (chiếm 66%); cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, CNKT 33 người (chiếm 7,1%). Chia theo cơ cấu: Giáo viên giáo dục nghề nghiệp có 319 người (chiếm 68,8%), giáo viên dạy văn hóa có 145 người (chiếm 31,2%). Về chất lượng, đa số giáo viên và người tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng yêu cầu về kỹ năng nghề, trình độ sư phạm dạy nghề. Đối với nghề nông nghiệp, đã huy động được đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện, thị xã, thành phố.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong 10 năm (2010 - 2019), từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án 1956, tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học và kỹ năng phát triển chương trình đào tạo cho 821 lượt giáo viên; trong đó, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 487 người (gồm các giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh và cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thuộc các trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, chi cục thủy sản để tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn) và đào tạo về phương pháp kỹ năng dạy học, phát triển chương trình, kỹ năng tư vấn học nghề việc làm cho 334 lượt người.

Giai đoạn 2019 - 2020, Yên Bái đặt hàng đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 6.600 người (chiếm 55%), nhóm nghề phi nông nghiệp là 5.400 người (chiếm 45%). Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, điểm mấu chốt đầu tiên là phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề. Theo đó, Yên Bái đã đào tạo chuyển đổi một số giáo viên dạy văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện sang thành giáo viên dạy nghề để bổ sung đội ngũ giáo viên dạy nghề cho các trung tâm (giữ nguyên chỉ tiêu biên chế được giao). Tiếp tục huy động đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho giáo viên dạy nghề, giáo viên thỉnh giảng để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Cần đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình và thời gian đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế và nhu cầu của người học nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo. Thực hiện tốt việc rà soát xác định nhu cầu đào tạo và ngành nghề đào tạo ở các địa phương. Tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung đào tạo các ngành nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành nghề và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Yên Bái tiếp tục hỗ trợ đầu tư thiết bị dạy nghề đối với 06 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 02 trường trung cấp công lập có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Hoạt động phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề cũng được coi trọng bằng cách đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp/đơn vị biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng điều chỉnh về nội dung và thời gian đào tạo của chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn ở các địa phương.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng lao động nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai đào tạo nghề gắn với thực hiện Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025". Song song với đó là tiếp tục đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề của địa phương, đào tạo nghề đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân; đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, làng nghề, đào tạo lại cho lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.