Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Buôn cách mạng Ea M'Droh vươn mình đổi mới

(Dân sinh) - Chúng tôi đến buôn Cách mạng Ea M'Droh, (xã Ea M'Droh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) khi trời chiều bắt đầu ngả bóng. Con đường vào buôn Cách mạng được rải nhựa phẳng lì, chạy dài hun hút tầm mắt, hai bên đường những ngôi nhà dài truyền thống, xen lẫn những ngôi nhà xây kiên cố mái ngói đỏ tươi, cùng màu xanh bạt ngàn của vườn cà phê, cây ăn trái… Buôn cách mạng Ea M'Droh (buôn Cháy) giờ như đang căng tràn sức sống mới.

Buôn Cách mạng Ea M'Droh trong kí ức người nữ thương binh

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buôn Ea M'Droh được xem là bàn đạp của các Đội công tác Cách mạng thời bấy giờ. Theo những tài liệu có được vào tháng 8/1960 K61 (tên gọi trước đó của huyện Cư M'gar) được thành lập tại buôn Ea M'Droh. Tháng 1/1961, cũng tại buôn này, lực lượng vũ trang K61 và Mặt trận K61 được thành lập. Kể từ đó buôn Ea M'Droh trở thành tâm điểm để quân địch dòm ngó, sau nhiều lần thăm dò đến khoảng tháng 4/1961 địch cho hàng trăm quân lính càn quét, hòng tiêu diệt Cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng tại đây. Trong đợt càn quét này địch chủ yếu nhắm vào buôn Ea M'Droh, chúng đi đến đâu đốt phá nhà, cửa, cây trồng, tài sản người dân tới đó. Cả buôn Ea M'Droh như chìm trong biển lửa. Cũng kể từ đợt càn quét đó, buôn cách mạng Ea M'Droh còn được người dân trong buôn đặt cho cái tên "buôn Cháy", để ghi nhớ vết thương đau do bọn xâm lược gây nên.

Buôn cách mạng Ea M'Droh vươn mình đổi mới - Ảnh 1.

Mẹ H’ Răng người nữ thương binh một lòng trung kiên với buôn làng, với Đảng nhà nước

Tiếp chúng tôi trong nụ cười hiền hòa, ấp áp mẹ H' Răng Niê Kdăm (SN 1947, thương binh 2/4) vẫn nhớ như in cái ngày mà bọn địch đến buôn mình càn quét, đốt phá buôn, làng. Khi được chúng tôi hỏi về lịch sử của buôn Ea M'Droh, người thương binh ấy như chết lặng trong kí ức. Mẹ H' Răng như đưa mình trở về với quá khứ, sau một hồi bừng tỉnh, ánh mắt người "chiến binh" ấy bỗng quắc thước lạ thường. Mẹ H'Răng kể: Tháng 4/1961 (lúc này mẹ 14 tuổi-PV) khi quân địch càn quét, đốt sạch toàn bộ nhà cửa, lương thực thực phẩm, cả buôn làng phải chạy trốn vào những cách rừng, thuộc huyện Buôn Đôn, Ea Súp lúc bấy giờ. Làng bị đốt phá bà con oán thù quân giặc, một lòng sắt son theo sự lãnh đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước quyết tham gia kháng chiến chống bọn Đế quốc cướp nước.

Theo lời kể của mẹ H' Răng, mẹ cùng người dân trong buôn trốn vào vùng rừng núi thuộc huyện Ea Súp lúc bấy giờ, khoảng tháng 7/1961 mẹ cùng một số người dân trong buôn sống thoát ly để theo con đường hoạt động cách mạng. "Lúc theo cách mạng mẹ chỉ 14 tuổi thôi, địa bàn hoạt động chủ yếu ở Khu 6, Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông-PV), hoạt động lúc này chủ yếu văn hóa, văn công, tăng gia sản xuất, sau đó được tổ chức giao cho làm công tác dân vận. Địa bàn Quảng Đức đa phần người đồng bào M'Nông mẹ là người Ê Đê nhưng vẫn nói được tiếng M'Nông, nhiều từ không hiểu thì tiếp tục học người dân, ăn ngủ với họ để tuyên truyền, vận động họ đi theo cách mạng. Khi mẹ cùng một số cán bộ vận động đã lôi kéo rất nhiều bà con người M'Nông tham gia cách mạng". mẹ H' Răng kể.

Theo mẹ H' Răng sau gần 15 năm thoát ly theo cách mạng, mẹ đã nhiều lần thừa sống thiếu chết khi bị đạn bắn, bom bi của kẻ địch thả như mưa vào vùng cách mạng. Bị thương nặng nhiều lần, mẹ vẫn một lòng kiên trung đi theo cách mạng, một lòng trung thành với tổ quốc thân yêu. Còn nhớ sau một đợt bị bom bi của quân Mỹ dội xuống, mẹ H' Răng bị thương rất nặng, trước sức ép của bom miệng mẹ liên tục ra máu phải chữa trị gần 4 năm mới khỏi. Năm 1967 mẹ H' Răng được tập kết ra Bắc để chữa bệnh, sau khi đất nước ca khúc ca khải hoàn năm 1975, mẹ đã tìm về nơi "buôn Cháy" nơi mẹ đã chon nhau cắt rốn để tiếp tục xây dựng buôn làng Ea M'Droh văn minh, phát triển như hiện tại.

Trang sử mới

Những câu chuyện về cuộc đời cách mạng của mẹ H' Răng được kể nối mạch, rất khó khăn chúng tôi mới đưa người mẹ luôn nặng tình với cách mạng, trung kiên với Tổ Quốc về với thực tại. Vẫn đôi mắt sắc sảo, kiên định ấy mẹ H' Răng hồ hởi kể về buôn làng mình trong thời kỳ đổi mới. "Buôn làng nay đông vui, rộn ràng lắm, người dân trong buôn ai cũng có cuộc sống khấm khá, ai cũng có cái ăn, cái mặc, cũng có xe máy, tivi…các cháu nhỏ thì được cắp sách đến trường học cái chữ. Mẹ cảm ơn Đảng, nhà nước nhiều lắm, nhờ có Đảng, nhà nước mới có ngôi làng yên bình, đẹp đẽ, phát triển như ngày hôm nay."

Buôn cách mạng Ea M'Droh vươn mình đổi mới - Ảnh 2.

66 ngôi nhà dài truyền thống được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk xây dựng trao tặng cho bà con năm 1994, sẽ làm tiền để nhằm khởi động chương trình phát triển du lịch nhà dài tại buôn cách mạng Ea M’Droh

Theo mẹ H' Răng, khoảng 15 năm thoát ly theo cách mạng, trong tâm can người thương binh ấy vẫn đau đáu nỗi nhớ về buôn làng, lòng sục sôi muốn về lại buôn Ea M'Droh để tiếp tục sống hết phần đời còn lại, đồng thời tiếp tục xây dựng, phát triển buôn làng trong thời kỳ đổi mới và giờ đây người nữ thương binh kiên trung ấy đã được toại nguyện, mẹ được sống trong vòng tay của Đảng, nhà nước, được quay quần cùng người dân trong buôn và đặc biệt hơn là mẹ đã có một gia đình riêng đầm ấm, có những người con, đứa cháu sinh ra lớn lên mạnh khỏe như bao người.

Buôn cách mạng Ea M'Droh vươn mình đổi mới - Ảnh 3.

Buôn Cách mạng Ea M’Droh đang ngày càng thay da đổi thịt, vươn mình phát triển trong thời kỳ đổi mới

Ông Trần Viết Lai – Chủ tịch UBND xã Ea M'Droh cho biết, xã có tổng diện tích đất tự nhiên 452 ha, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Riêng buôn cách mạng Ea M'Droh có 265 hộ với 1.059 nhân khẩu, 80% là người đồng bào Ê Đê. Trong buôn có 12 gia đình chính sách, có 3 thương binh và 5 gia đình liệt sỹ. "Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong buôn Ea M'Droh không chỉ được UBND xã, mà còn được nhiều các cấp Chính quyền của tỉnh nhà quan tâm đặc biệt. Hiện tại 100% hộ gia đình chính sách trên địa bàn xã có kinh tế ổn định, các chính sách hỗ trợ, trao tặng quà nhân dịp lễ tết được chúng tôi làm rất chu đáo và cẩn trọng tránh những thiếu sót không đáng có. Chúng tôi đang phấn đấu sắp tới buôn cách mạng Ea M'Droh sẽ không còn hộ nghèo và cận nghèo. Hiện tại buôn Ea M'Droh cuộc sống của bà con đã thay đổi đáng kể, hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư xây dựng bài bản đáp ứng đầy đủ như cầu sử dụng cho người dân" ông Lai cho hay.

Buôn cách mạng Ea M'Droh vươn mình đổi mới - Ảnh 4.

Hệ thống điện đường, trường trạm công trình công cộng được đầu tư xây dựng bài bản tại buôn Cách mạng Ea M’Droh

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Hồng Minh – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Cư M'gar cho biết, toàn huyện có trên 890 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, địa bàn huyện có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng. "Phòng LĐTB &XH chúng tôi luôn làm hết mình vì công tác chăm sóc, hỗ trợ những gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Công việc chăm lo đời sống, kinh tế, vật chất, tinh thần, nhà ở cho gia đình những người có công luôn được chú trọng. Đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách là hộ nghèo, cận nghèo. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, ngoài việc thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện, chúng tôi còn thành lập nhiều đoàn đến tận từng hộ gia đình để thăm hỏi, tặng quà cho người có công nhân dịp lễ tết" ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Minh, Buôn Ea M'Droh luôn được dành sự quan tâm đặc biệt của các Cấp, các Nghành. Cụ thể, sắp tới đây huyện sẽ tiến hành xây dựng khu tượng đài lưu niệm căn cứ cách mạng tại buôn, với quy mô hơn 1 hec-ta, kinh phí dự tính trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đang khởi động chương trình phát triển Du lịch nhà dài, văn hóa cồng chiêng,…tại buôn Ea M'Droh nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách có dịp đến thăm, khám phá vùng đất cũng như con người tại buôn cách mạng.