Được biết, vi phạm của nữ sinh này là "mặc áo mỏng", chạy xe phân khối lớn và dùng điện thoại ghi âm cô giáo trong giờ học. Gia đình nữ sinh này đã thừa nhận con mình có vi phạm và bản thân em cũng đã xin lỗi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp. Sau đó, trường đã ban hành thông báo gửi về gia đình, trong đó có liệt kê các lỗi mà em Y. đã vi phạm và yêu cầu em viết kiểm điểm, thực hiện cấm túc hằng ngày trong 2 tuần (từ ngày 1 đến 12/12).
Ngày 30/11, sau khi đọc tên nữ sinh vi phạm dưới cờ, cô Huỳnh Thị Thu Huệ - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 báo tin em không có mặt ở lớp. Khi đi tìm thì phát hiện, em bị ngất trong nhà vệ sinh. Gia đình cho biết, em đã uống thuốc tự tử nhưng may mắn là được cứu chữa kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Việc kỷ luật bằng hình thức nêu tên dưới cờ của nhà trường bị coi là "không phù hợp" với phương pháp sư phạm. Thông tư mới đây của Bộ GD&ĐT cũng đề cập đến việc không phê bình học sinh trước trường dù em có vi phạm kỷ luật và tùy từng trường có những nội quy, cách xử lý khác nhau. Nhưng điều đáng trách hơn là sau khi xảy ra vụ việc, giáo viên của em lại lên facebook cá nhân đăng thông tin với thái độ mang tính chỉ trích học sinh.
"Đọc bức thư tuyệt mệnh ai cũng có thể cảm nhận là học sinh đang hoảng loạn tâm lý. Cách hành xử của giáo viên chưa thuyết phục, càng không thuyết phục khi trường ra quyết định kỷ luật học sinh trước cờ. Dù kỷ luật để răn đe học trò nhưng rõ ràng chưa làm trẻ tâm phục khẩu phục mới dẫn đến hành động như thế. Sau sự việc phát hiện em tự tử bất thành, giáo viên viết trên facebook là cách hành xử tệ, trái với sự dịu dàng, mẫu mực của một cô giáo, vi phạm văn hóa ứng xử nhà giáo", một người làm việc lâu năm trong ngành giáo dục nhận xét.
Năm 2017, một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Hòa Bình (xã Hoà Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) uống thuốc trừ sâu tự tử do không chịu nổi sự nhục nhã mà cô giáo chủ nhiệm đã gây ra cho em, chỉ vì bị nghi liên can đến việc một bạn trong lớp bị mất khoản tiền nhỏ.
Thiết nghĩ, đối với người làm sư phạm, cái tâm và tình yêu trẻ phải là những thứ được đặt lên hàng đầu, phải dựa vào đó để định hướng cho hành vi, lời nói của mình. Nếu ai đó chỉ coi nghề dạy học là công việc "gõ đầu trẻ" để kiếm sống như mọi công việc thông thường khác thì không nên tiếp tục theo đuổi nghề này. Bởi dạy học mà không có cái tâm, không đặt tình cảm và trách nhiệm của người thầy lên đúng chỗ sẽ gây hại cho nhiều thế hệ học trò.