Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần Thơ: Lao động nông thôn học nghề có việc làm ổn định, thu nhập cao

(Dân sinh) - Những năm qua, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được xã hội quan tâm và hưởng ứng. Qua đó, nhiều lao động nông thôn đã hăng hái tham gia các khóa học. Đây chính là điều kiện để lao động nông thôn có cơ hội được rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một ngành nghề thực thụ, có thể tự tạo dựng cho bản thân và gia đình một cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

Nhiều mô hình hay, có việc làm ổn định

Công tác đào tạo nghề đã được các ban, ngành, đoàn thể và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thônđảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực, và chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ xây dựng nông thôn mới và cũng là một trong những giải pháp nâng cao tỷ lệ  giảm nghèo, giảm nghèo bền vững của thành phố.

Năm 2019, TP.Cần Thơ  đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động nông thônđi học nghề như: Người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của từng đối tượng, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được hỗ trợ vay vốn để học nghề theo quy định hiện hành...

Cần Thơ: Tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Lớp đào tạo nghề may của quận Ô Môn

Đến nay, đề án đã được triển khai ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đạt kết quả đáng khích lệ. Trong 9 tháng năm 2019, các quận, thị, thành phố trên địa bàn  đã mở  119 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn  đạt 100% kế hoạch năm (4.130 học viên).

Với mục tiêu đào tạo nghề cho LĐNT là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Đào Minh Lợi, Trưởng phòng Lao động – Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ chia sẻ:

Thời gian qua, trên địa bàn TP đã tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với người lao động. Lũy kế đến tháng 6/2019, toàn thành phố có tổng số 41 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả. Điển hình như mô hình Đan lụt bình, Mô hình sản xuất lúa giống, mô hình may giỏ xách, mô hình đan đát, mô hình tổ hợp tác may, mô hình liên kết với công ty sản xuất giày Taekwang tại khu công nghiệp Hưng Phú, mô hình liên kết với công ty TNHH Bình Tiên (Đồng Nai) - chi nhánh Bitis' Cần Thơ, mô hình thành lập các hợp tác xã hoa kiểng, cây ăn trái, Hợp tác xã Chanh không hạt tại ấp trường Hòa xã Trường Long; Câu lạc bộ làm vườn (trồng vú sữa) ấp trường khương xã Trường Long; mô hình đan sọt trồng hoa kiểng, …  

Thông qua các lớp học nghề, người học được trang bị những kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho chính bản thân và gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Thay đổi nhận thức của người nông dân

Theo ông Châu Hồng Thái, PGĐ – Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ: Trong thời gian thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.

Tại Quận Ninh Kiều, quận đã  triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2015 – 2020 và các văn bản hướng dẫn của các cấp đến các ban ngành đoàn thể, UBND 13 phương và các Trung tâm dạy. Trong 6 tháng đầu năm 2019, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận phối hợp các Trung tâm dạy nghề khai giảng 12 lớp nghề gồm: 03 lớp pha chế, 01 thiết kế đồ họa quảng cáo, 01 lớp sửa máy tính, 02 lớp trang điểm, 01 lớp làm móng, 02 lớp nấu ăn và 02 may công nghiệp có 420 học viên tham gia.

Cần Thơ: Tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 4.

Lớp nghề May gia dụng - Đan dây nhựa

Để chuẩn bị tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đầu năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông báo đến tất cả các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố có nhu cầu đăng ký tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn tiến hành đăng ký nghề đào tạo, số lượng lớp, kèm theo báo cáo năng lực đào tạo của đơn vị về cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo trình và định hướng giải quyết việc làm sau đào tạo; trên cơ sở đó tổng hợp các đơn vị đủ điều kiện, thông tin đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện tìm hiểu và lựa chọn những đơn vị đủ năng lực đảm bảo chất lượng dạy nghề đề xuất đơn vị đào tạo cho địa phương.

Năm 2019 có 32 đơn vị tham gia. Điển hình là trường Trung cấp Tây Đô trong 6 tháng đầu năm 2019 đã khai giảng 6 lớp, mỗi lớp đào tạo cho 25 – 35 người. Đa số các học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định. Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật TP.Cần Thơ đã thực hiện rất hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, 100% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định và lương cao.

Những tháng cuối năm 2019, TP.Cần Thơ tiếp tục triển khai các lớp sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Để đảm bảo hiệu quả trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm, Tp.Cần Thơ tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố Cần Thơ về công tác đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 đến người lao động, và đoàn viên, hội viên Nông dân để nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn ngành nghề phù hợp với thị trường lao động để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo.

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn ngày càng được nhiều người dân hưởng ứng tham gia nhiệt tình, các học viên sau khi tham gia học nghề tìm kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, có thu nhập cao và ổn định cuộc sống.