Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chiến thắng Covid-19, bác sĩ trẻ bám trụ ở tuyến đầu

(Dân sinh) - Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, bác sĩ Nguyễn Văn Hàng (26 tuổi) vào công tác tại một phòng khám chuyên khoa ở TP.HCM. Cũng như biết bao thầy thuốc khác, bác sĩ Hàng đã "xung trận" ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM.

Thời gian đầu, TP.HCM tiến hành chiến dịch truy vết nhằm hạn chế nguy cơ dịch lây lan diện rộng, bác sĩ Hàng cùng các đồng nghiệp tham gia các đội lấy mẫu xét nghiệm. "Đó thực sự là những ngày khó khăn gian khổ. Anh em chúng tôi phải làm việc suốt từ sáng đến khuya, có khi còn đến tận tảng sáng hôm sau. Không chỉ làm công việc chuyên môn mà còn phải vận động, thuyết phục người dân tham gia lấy mẫu, vì không phải ai cũng chịu hợp tác; rồi còn giải thích, động viên những người chẳng may nghi nhiễm... Mỗi ngày tiếp xúc hàng trăm người, đến khi tạm xong việc là đã khuya, tranh thủ nghỉ ngơi nên cũng không có thời gian để cảm nhận được sự mệt mỏi", anh kể.

Chiến thắng Covid-19, bác sĩ trẻ bám trụ ở tuyến đầu - Ảnh 1.

BS Nguyễn Văn Hàng cùng các đồng nghiệp lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một khu dân cư

Rồi dịch bùng phát trên diện rộng, công việc của anh cùng các đồng nghiệp càng trở nên nặng nề hơn. Số F0 xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các địa phương, nên công việc của bác sĩ Hàng lúc này không chỉ là hỗ trợ chống dịch tại Trung tâm y tế quận Bình Tân, mà còn đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau như chuyển F0 đi cách ly, khám sàng lọc trước tiêm vaccine...

"Mặc dù các bác sĩ như mình đều đã được bảo vệ rất kỹ, nhưng việc ra tuyến đầu chống dịch, hằng ngày tiếp xúc rất nhiều ca bệnh cũng có thể khiến bản thân mình bị lây nhiễm. Đã từng có không ít đồng nghiệp của tôi bị lây nhiễm, công việc phải gián đoạn. Đó cũng là điều mà tôi từng lo lắng", anh cho biết.

Và rồi, điều anh lo lắng ấy đã trở thành sự thật. Cuối tháng 7, khi đang làm nhiệm vụ, anh bị phát hiện nhiễm Covid-19. "Tôi đang làm việc bình thường, không có triệu chứng gì, nhưng khi test thì lại cho kết quả dương tính. Tôi hết sức bất ngờ và thực sự cảm thấy lo lắng. Lo cho sức khỏe của mình một phần, nhưng lo nhiều hơn là khi mình bị bệnh, công việc phải ngừng lại giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng, không biết bao giờ mới quay trở lại làm việc được. Nghĩ tới đó, có những lúc tôi cảm thấy suy sụp thực sự. Khi dọn đồ sang khu cách ly, tôi đã không cầm được nước mắt", anh chia sẻ.

Chiến thắng Covid-19, bác sĩ trẻ bám trụ ở tuyến đầu - Ảnh 2.

BS trẻ Nguyễn Văn Hàng - người đã chiến thắng Covid-19 và nhanh chóng trở lại hàng ngũ những người ở tuyến đầu chống dịch

Dẫu là một bác sĩ trẻ có sức khỏe, có kiến thức y học, nhưng giai đoạn chống chọi với dịch bệnh của bác sĩ Hàng cũng hết sức khó khăn. Những cơn mệt mỏi, sốt và khó thở ập đến, hành hạ anh. Nhưng cứ nghĩ tới công việc đang còn dang dở, nghĩ tới những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đang từng ngày hỗ trợ, giúp đỡ, cầu mong cho mình chóng khỏi bệnh, anh quyết xốc lại tinh thần, cố gắng ăn uống đầy đủ, tập thể dục, tập hít thở... và quan trọng là tìm lại tâm lý lạc quan, tin tưởng vào khả năng chiến thắng dịch bệnh. Nhờ đó mà sau một thời gian điều trị, anh đã dần hồi phục.

Sau 7 ngày cách ly kể từ khi có kết quả âm tính, mặc dù chưa thật khỏe nhưng ngay hôm sau anh đã nhận nhiệm vụ đi vào tuyến đầu chống dịch. "Giữa lúc mọi người đều phải làm việc gấp 2-3 sức lực của mình, thì làm sao tôi có thể ngồi yên được!", bác sĩ trẻ tâm sự.

Công việc ở tuyến đầu những ngày giữa tháng 8 thực sự nhọc nhằn, bởi đó chính là giai đoạn số ca F0 tăng cao, số ca bệnh chuyển nặng cũng rất lớn, đội ngũ y bác sỹ luôn phải làm việc suốt ngày đêm, mỗi người phục vụ cả vài chục bệnh nhân, phải "kiêm nhiệm" rất nhiều công việc không tên khác nhau, nên thời gian nghỉ ngơi thường chỉ 2-3 tiếng mỗi ngày. Đó cũng là lúc mà hệ thống y tế thành phố đặt mục tiêu giảm số ca tử vong, nên các bác sĩ vừa căng mình phục vụ và cứu chữa bệnh nhân, vừa phải tự bổ sung kiến thức để nâng cao hiệu quả điều trị. Khó khăn là vậy, nhưng nhìn xung quanh, thấy những đồng nghiệp của mình ai cũng làm việc không ngơi tay, nhiều người bị ốm cũng không dám nghỉ, không ai buông một lời kêu ca, anh càng có thêm động lực để vượt qua thử thách.

Càng đến gần giữa tháng 9, tình hình phòng chống dịch ở TP.HCM càng có nhiều dấu hiệu khả quan, khi nhiều địa phương đã bắt đầu kiểm soát được dịch, số ca chuyển nặng và tử vong giảm dần. Nhìn vào những con số diễn biến theo chiều hướng tích cực, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hàng cũng như các y bác sĩ khác đều cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Chỉ "nhẹ nhõm đôi chút" thôi, bởi mọi người đều biết rằng nhưng thử thách, gian nan phía trước vẫn còn nhiều. Ngay cả khi cuộc sống xã hội chuyển sang giai đoạn "bình thường mới" thì dịch bệnh vẫn còn phức tạp, cuộc chiến đấu sẽ vẫn còn tiếp diễn...

Những ngày này, TP.HCM có khoảng 1.500 F0 tham gia phòng chống dịch. Nhiều bác sĩ - trong đó có Nguyễn Văn Hàng, đã từng lây nhiễm Covid-19, sau thời gian chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh, hiện vẫn đang vững vàng trong đội ngũ, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.