Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chuyện hay mới bắt đầu

(Dân sinh) - Sau 13 vòng đấu, giai đoạn 1 của V-League 2020 chính thức khép lại với thứ hạng khá bất ngờ. Kể từ giai đoạn 2, V-League thi đấu theo thể thức mới, với cuộc đua ngôi vô địch và trụ hạng được dự báo căng thẳng, hấp dẫn nhưng có thể đó chỉ là bề nổi.

8 đội đua vô địch, 6 đội tranh suất trụ hạng

Vòng "chốt hạ" giai đoạn 1 V-League đã diễn ra với nhiều kết quả bất ngờ. Trước đối thủ mạnh là TP. Hồ Chí Minh nhưng HAGL đã có trận thắng dễ dàng nhất từ đầu mùa với tỷ số đậm 5-2. Trận thắng này chính thức giúp đội bóng phố Núi có vị trí thứ 7 trên BXH, đồng nghĩa nằm trong Top đua vô địch ở giai đoạn 2 V-League. Đây cũng là trận thắng làm quà của HAGL trong ngày sinh nhật tuổi 61 của HLV Park Hang Seo. Với trận thua này, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 5 BXH, kém đội đầu bảng 4 điểm. Dù khoảng cách không quá lớn nhưng việc đội bóng của HLV Chung Hae Seong thua bạc nhược đã đặt ra dấu hỏi về tham vọng vô địch.

Dù bị Than Quảng Ninh cầm hòa không bàn thắng trên sân nhà nhưng Sài Gòn vẫn vô địch lượt đi với thành tích ấn tượng. Đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành chỉ thua duy nhất 1 trận trong tổng số 13 trận, giành 24 điểm. Dù vậy, khoảng cách giữa Sài Gòn và các đối thủ bám sát phía sau không nhiều nên họ có thể bị soán ngôi bất cứ lúc nào.

Không được đánh giá cao trong lần đầu tham dự V-League nhưng từ chỗ là đội bóng lo xuống hạng, Hà Tĩnh bất ngờ cán đích thứ 8 trên BXH sau trận thắng 3-2 trước Quảng Nam. Thành tích đáng khen ngợi của thầy trò HLV Phạm Minh Đức cũng là do 2 đối thủ cạnh tranh suất Top 8 là Đà Nẵng và SLNA đều trắng tay ở vòng này.

Chuyện hay mới bắt đầu - Ảnh 1.

CLB HAGL đè bẹp CLB TP. Hồ Chí Minh để giành suất tranh ngôi vô địch.

Vòng đấu thứ 13 khép lại, 8 cái tên xuất sắc nhất sẽ bước vào cuộc đua vô địch trong giai đoạn 2 cũng đã được xác định gồm: Sài Gòn, Viettel, Than Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, HAGL, Hà Tĩnh. 6 đội phải bước vào cuộc đua trụ hạng gồm: Đà Nẵng, Thanh Hóa, SLNA, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của V-League 2020, số điểm của các đội bóng đạt được sau 13 vòng sẽ được giữ nguyên. Số điểm các đội đạt được từ giai đoạn 2 sẽ được cộng dồn với số điểm đã có từ giai đoạn 1 để xếp hạng chung cuộc.

Giai đoạn 2 được chia làm 2 nhóm: Nhóm A (8 đội đầu bảng giai đoạn 1) sẽ thi đấu trong 7 vòng để tranh chức vô địch, nhóm B (6 đội cuối bảng giai đoạn 1) sẽ thi đấu 5 vòng để tránh suất duy nhất xuống hạng. Giai đoạn 2 của V-League 2020 sẽ bắt đầu từ ngày 9/10 và kết thúc đầu tháng 11.

Hấp dẫn hay lại lo tiêu cực?

Thể thức thi đấu mới khiến cuộc đua vô địch và trụ hạng khốc liệt hơn rất nhiều so với những năm trước. Bất cứ sai lầm nào cũng khiến các đội bóng phải trả giá đắt. Trên lý thuyết, cơ hội vô địch đang dành cho cả 8 đội ở nhóm A và bất cứ cái tên nào của nhóm B cũng có thể xuống hạng.

Thực tế, trong điều kiện bóng đá Việt Nam liên tục phải hoãn vì dịch Covid-19, việc VPF đưa ra thể thức thi đấu mới là rất thực tiễn, giúp giải đấu tăng tính cạnh tranh và cũng giảm bớt số trận để về đích an toàn. Tuy nhiên, một nỗi lo của phương án này chính là tình trạng tiêu cực có thể xảy ra ở những đội đã đủ điểm trụ hạng hoặc hết động lực để tranh ngôi vô địch. Hoặc cơ hội tránh suất xuống hạng của đội đứng cuối nhóm B khi vào giai đoạn 2 cũng sẽ giảm đi do số trận đấu ít đi…

Điểm yếu "chết người" của thể thức thi đấu trên là các đội dễ "bắt tay nhau" ở những vòng đấu cuối, khi đã không còn mục tiêu. Nhiều đội xác định không vô địch sẽ đá không quyết liệt và có thể nhường điểm để đội khác vô địch. Tương tự ở nhóm trụ hạng, nếu đội nào đã đủ điểm cũng hết động lực để thi đấu, có đội thậm chí còn tranh thủ để "làm kinh tế".

Phương án nào cũng có mặt trái và vấn đề là giải pháp nào để giải đấu đảm bảo chất lượng chuyên môn, tính cạnh tranh cao và chống tiêu cực. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết, chống tiêu cực là điều VPF luôn đặt ra trong mọi trường hợp. Ngoài việc kết hợp với Bộ Công an, VPF còn có hai đơn vị nước ngoài theo dõi tất cả trận đấu để hỗ trợ phát hiện các hiện tượng tiêu cực. Trong khi đó, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: "Thứ nhất, phải đảm bảo được tính cạnh tranh cao khi thi đấu. Thứ hai là đảm bảo chuyên môn. Thứ ba là chống được tiêu cực. Nếu các vấn đề trên không làm tốt, giải đấu chắc chắn không hấp dẫn như kỳ vọng".