Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: 90 năm xây dựng và trưởng thành

(Dân sinh) - Ngày 29/7, tỉnh Thanh Hoá tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930- 29/7/2020)

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung… đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành bạn, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng,…

Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: 90 năm xây dựng và trưởng thành - Ảnh 1.

Đại biểu tham dự buổi Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930- 29/7/2020) 

Xác định xây dựng Đảng là then chốt

Tại buổi Lễ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng phấn đấu nỗ lực hết sức mình để đạt được trong suốt chặng đường 90 năm qua: "Để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp Nhân dân. Có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử lâu đời, phong phú đa dạng và đậm đà bản sắc Thanh Hóa thành nguồn lực; biến khó khăn, thách thức, nghèo khổ thành động lực để vươn lên".

Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: 90 năm xây dựng và trưởng thành - Ảnh 2.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

"Xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt; cần coi trọng và tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng trong khóa XII gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền" - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất; nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước; và sự tôn vinh của bạn bè quốc tế.

"Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, "tham nhũng vặt". Phải thật sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; quan tâm để giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc..." - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tiếp nối mạch nguồn cách mạng

Phát biểu ôn lại truyền thống 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cho biết: "Tiếp sau sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có vinh dự lớn khi thành lập đảng bộ từ rất sớm. Trải qua quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trên địa bàn tỉnh, các tổ chức cộng sản liên tiếp được thành lập.

Ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời. Ngày 10/7/1930, chi bộ cộng sản thứ hai ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22/7/1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ ba ra đời. Để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 29/7/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị hợp nhất 3 chi bộ Đảng Cộng sản để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: 90 năm xây dựng và trưởng thành - Ảnh 4.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến phát biểu tại buổi Lễ

Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển đi lên của tỉnh nhà. Từ đây, mỗi bước thăng trầm của phong trào cách mạng trong tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, gắn liền với phong trào cách mạng của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử ra đời, đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng. Với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, với tinh thần chủ động, sáng tạo.

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ; Đảng bộ đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định sự phát triển đi lên mạnh mẽ của tỉnh, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục phát triển, cùng với cả nước viết nên những trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: 90 năm xây dựng và trưởng thành - Ảnh 5.

Toàn cảnh buổi lễ

Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển đi lên của tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng ổn định tổ chức, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là tỉnh huy động sức người, sức của nhiều nhất, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được Bác Hồ khen ngợi "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh chiến đấu 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 57 tàu chiến của Mỹ.

Những địa danh như Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu không cân sức với đế quốc Mỹ. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã làm tròn trách nhiệm "hậu phương lớn" của mình, tiễn đưa hàng vạn người con thân yêu lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có nhiều người anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần xương máu trong chiến trường,… Kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung "Hàn gắn vết thương chiến tranh", xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, đặt nền tảng cho sự phát triển sau này.

Nhiều phong trào thi đua như: Thủy lợi hóa, khai hoang, phục hóa, trồng cây lương thực, hoa màu,… diễn ra sôi nổi. Các công trình thủy lợi sông Hoàng, sông Lý, hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ, sông đào Tam Điệp; công trình quai đê lấn biển; các nhà máy Phân lân Hàm Rồng, Giấy Mục Sơn, gỗ Điện Biên, Xi măng Bỉm Sơn, Đường Lam Sơn và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch; các trường học, bệnh viện… được đầu tư xây dựng bằng sức lao động và sự đóng góp của nhân dân trong tỉnh, đến nay vẫn tiếp tục phát huy tác dụng.

Phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thu hút đầu tư

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hoá; các vùng sản xuất cây nguyên liệu phát triển ổn định; cơ giới hoá trong nông nghiệp được đẩy mạnh; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác.

Các khu công nghiệp, khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập và phát triển, một số ngành công nghiệp then chốt của tỉnh, như: sản xuất vật liệu, nhiệt điện, lọc hoá dầu... được hình thành và ngày càng phát triển. Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ.

Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã đi vào vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các hoạt động văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.

Trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoácho 45 tập thể và 45 cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng

Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt. Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 dự kiến thu được khoảng 30.000 tỷ đồng, gấp 2,75 lần năm 2015 và gấp gần 7,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.

Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, đạt nhiều kết quả quan trọng, Thanh Hóa là một trong số các tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Trong năm 2019, tỉnh đã sắp xếp 143 đơn vị hành chính cấp xã, để thành 67 đơn vị (giảm 76 đơn vị).

Đến năm 2030 Thanh Hoá trở thành tỉnh công nghiệp với "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh "kiểu mẫu"

"Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, là dịp để Thanh Hoá ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ.  Phát huy truyền thống 90 năm vẻ vang của Đảng bộ tỉnh và bề dày lịch sử hơn 990 năm Thanh Hóa; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; quyết tâm phấn đấu xây dựng Thanh Hoá đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh "kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn" – Bí thư Trịnh Văn Chiến khẳng định.

Những kết quả mà Thanh Hóa đạt được trong suốt những năm qua, tiếp tục khẳng định vị thế chiến lược của tỉnh Thanh Hóa ở khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Từ 11 đảng viên ban đầu được triệu tập tại Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930; đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đảng bộ trực thuộc, 1.727 tổ chức cơ sở đảng, với gần 228 nghìn đảng viên, là Đảng bộ có số đảng viên đứng thứ 2 cả nước, sau Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 3,7%, tuy thấp hơn cùng kỳ những năm gần đây, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19; trong đó: ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,45%; dịch vụ giảm 1,66%; thuế sản phẩm tăng 1,98%. Kinh tế tăng trưởng vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được cải thiện; nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự xã hội được tăng cường; quy mô, chất lượng nền kinh tế cũng như thế và lực của tỉnh không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm đạt 15,7% trở lên. Sản lượng lương thực đạt 606,6 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 94.159 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 14.482 tỉ đồng. Thêm 2 huyện, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành lập mới 1.679 doanh nghiệp. Giải quyết việc làm cho 52.500 lao động.

90 năm xây dựng và phát triển, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh, đó cũng là tiền đề vững chắc để Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và sớm trở thành "tỉnh kiểu mẫu" theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 45 tập thể và 45 cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2015-2020.