Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đột phá trong công tác giảm nghèo ở Yên Bái

Là tỉnh miền núi khó khăn với đông đồng bào dân tộc sinh sống, bước đầu của giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái còn trên 32% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,5%/năm, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đột phá trong công tác giảm nghèo. Ông Phạm Tuấn Chung - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã có những trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân sinh về vấn đề này.

Đột phá trong công tác giảm nghèo ở Yên Bái - Ảnh 1.

Ông Phạm Tuấn Chung - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Yên Bái.

 *Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo của Yên Bái thời gian qua?

Bước vào giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái còn trên 32% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Đây là một trong những thách lớn trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy Yên Bái đã coi đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: "Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, việc thực hiện các chính sách xã hội phải luôn được bảo đảm; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế". Đại hội cũng đề ra mục tiêu: "Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,5%/năm".

Cùng với kiên trì thực hiện các giải pháp giảm nghèo đã mang lại hiệu quả trong nhiệm kỳ trước, lần đầu tiên Tỉnh ủy trực tiếp ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững (Kế hoạch 131 năm 2019; Kế hoạch 170 năm 2020). Theo đó, giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến các xã, phường, thị trấn; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao để thực hiện các nhiệm vụ về công tác giảm nghèo.

Để giảm nghèo hiệu quả, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ban hành một số chính sách trợ giúp xã hội đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn quy định chung của Chính phủ.

Việc huy động nguồn lực từ ngân sách để thực hiện chính sách giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời. 5 năm qua, toàn tỉnh huy động, ghép các nguồn vốn ước đạt 16.894 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo; trong đó, ngân sách Trung ương 8.926 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.759 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi 3.354 tỷ đồng; nguồn vốn huy động các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhân dân 415 tỷ đồng; từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp đỡ các hộ nghèo với kinh phí thực hiện 10 tỷ 413 triệu đồng, giúp 3.403 hộ thoát nghèo...

Từ sự quan tâm chỉ đạo và nguồn lực đầu tư lớn, công tác giảm nghèo đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 32,1% năm 2016 giảm còn 11,56% năm 2019 (giảm 20,65%), bình quân mỗi năm giảm 5,16%, đạt 147,42% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; giảm gấp 3,44 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững, năm 2020,  Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 4,5% hộ nghèo, giảm từ 11,56% năm 2019 xuống còn 7,06% năm 2020.

Hỗ trợ nhà ở hộ nghèo ở Yên Bái theo Đề án 806.

*Được biết, Yên Bái hiện đang triển khai Đề án 806 về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Xin ông cho biết đề án đã thực hiện được đến đâu?

          Bên cạnh việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách chung về giảm nghèo, tỉnh Yên Bái đã luôn đặc biệt quan tâm, triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho Người có công (NCC) với cách mạng và hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ngày 14/4/2020, Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 08 - HĐND tỉnh Yên Bái về việc thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020 (gọi tắt Đề án 806). Theo đó, trong năm 2020 tỉnh sẽ hỗ trợ làm 795 nhà ở cho hộ người có công, hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở. Trong đó có 427 nhà của hộ gia đình người có công với cách mạng và 368 nhà cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn; xây mới 625 nhà, sữa chữa 170 nhà.

Mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ đối với hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây mới nhà ở; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng, dột nát phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 28,4 tỷ đồng. Trong đó 50% ngân sách tỉnh, 40% từ vận động xã hội hóa, 10% từ quỹ vì người nghèo, qũy đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh. Tính đến ngày 23/7/2020, tổng số nhà đã hoàn thành và đang khởi công là 532 nhà, đạt 67% kế hoạch Đề án. Trong đó: Số nhà đã hoàn thành 244 nhà (làm mới 157 nhà; sửa chữa 87 nhà); số hộ đã khởi công đang làm nhà: 288 nhà;  Số nhà chưa khởi công: 233 nhà; hầu hết trong số này đều đã có kế hoạch khởi công trong tháng 7/2020.

*Theo ông, Đề án 806 đã có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của người dân?

 Đề án 806 thực sự là nhân văn, đây là một nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội của tỉnh Yên Bái trong năm 2020. Mục tiêu, thứ nhất, nhằm giải quyết cơ bản tình trạng NCC khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Thứ hai, hỗ trợ cho người nghèo không tiếp cận được chính sách hỗ trợ nhà ở hiện hành của cả nước theo Quyết định 33 có khả năng để làm được nhà, cải thiện cuộc sống, đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia. Phải nói rằng Đề án 806 đã được sự ủng hộ vào cuộc rất mạnh mẽ của tất cả các cấp trong hệ thống chính trị; đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, không những là đối tượng thụ hưởng chính sách mà người dân trong cộng đồng cũng rất tích cực tham gia vận động ủng hộ thêm ngoài những chính sách của Đề án cho các đối tượng.

Đột phá trong công tác giảm nghèo ở Yên Bái - Ảnh 4.

Bà Trần Thị Dậu (80 tuổi) ở thôn Phú Thọ, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được nhận hỗ trợ nhà theo Đề án 806.

* Là cơ quan tham mưu cho tỉnh về những chính sách giảm nghèo trên địa bàn, vậy Sở LĐ-TB&XH đã đưa ra những giải pháp đột phá như thế nào để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững?

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc vừa về giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH đã xác định nhà ở là một trong những tiêu chí rất quan trọng vấn đề giảm nghèo đa chiều, vì vậy Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án 806 nhằm cải thiện chỗ ở nâng cao đời NCC và hộ nghèo.

Hàng năm Sở đã tham mưu cho tỉnh về kế hoạch giảm nghèo bền vững của tỉnh. Đặc biệt lần đầu tiên Tỉnh ủy trực tiếp ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững (Kế hoạch 131 năm 2019; Kế hoạch 170 năm 2020). Trong Kế hoạch đã phân ra cụ thể chỉ tiêu giảm nghèo đến từng xã, trong đó có bao nhiêu hộ NCC và phân công những sở, ban, ngành của các tỉnh đỡ đầu những xã đặc biệt khó khăn, trong đó mục tiêu giảm nghèo một năm là bao nhiêu và đã giúp đỡ được bao nhiêu hộ, tính chi tiết ra bao nhiêu hộ NCC giảm nghèo.

Ngoài ra Sở đã hướng dẫn, giám sát các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Chú trọng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững tùy theo thực tế của mỗi địa phương, mỗi gia đình gắn với phát huy lợi thế vùng miền nhằm tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo; Đẩy mạnh thực hiện giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, sử dụng nguồn vốn, tổ chức sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho hộ nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.