Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dự án Phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam giúp cứu sống nhiều trẻ em

(Dân sinh) - Trong khuôn khổ Dự án Phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam do Quỹ Từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp thực hiện, tối ngày 29/9, Hội nghị trực tuyến đánh giá các kết quả của công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam đã được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chia sẻ những khuyến nghị trong công tác xây dựng những chương trình, chính sách trong giai đoạn tới.

Tham dự tại điểm cầu Việt Nam có: Ông Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH); bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của tổ chức Vận động chính sách toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI), cùng đại diện các nhóm chuyên gia về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, và đại diện các tổ chức liên quan…

Dự án Phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam giúp cứu sống nhiều trẻ em - Ảnh 1.

Ông Kidong Park - Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Kidong Park đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan Trung ương và các địa phương nhằm vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để thực hiện thành công dự án này. Ông cho rằng Hội thảo này là dịp để các đại biểu nhìn lại những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và xây dựng những chương trình tiếp theo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ rằng dù gặp nhiều khó khăn do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác phòng chống đuối nước trẻ em vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của WHO và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em đánh giá cao những giải pháp, những can thiệp của Dự án trong thời gian qua. Ông cho rằng, Dự án đã thể hiện được tính hiệu quả cao và được cộng đồng tiếp nhận. Trong giai đoạn 2018 - 2019, Dự án được triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh có tình hình tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đăk Lăk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.

Theo nghiên cứu đánh giá độc lập của Trường Đại học Y tế công cộng, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm triển khai ban đầu. Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai cho mạng lưới gồm: Các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; các tài liệu hướng dẫn đã được chuẩn hóa trước khi triển khai can thiệp; 8 bể bơi mới và 35 bể bơi huy động của địa phương được lắp đặt để tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Tính riêng năm 2019, hơn 8.000 trẻ được dạy bơi an toàn; hơn 17.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% kế hoạch đặt ra…

Tỷ lệ biết bơi chung tại 8 tỉnh chương trình hiện nay là 25,5%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 14,7% vào thời điểm trước can thiệp của chương trình. Hơn 90% phụ huynh và người chăm sóc trẻ hài lòng với các lớp dạy bơi an toàn được cung cấp bởi chương trình.

Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông đã được thực hiện hiệu quả và đa dạng theo đặc thù của từng địa phương. Kết quả, 78,1% số cha mẹ, người chăm sóc trẻ được tiếp cận thông tin về chương trình, trong khi đó tỉ lệ này tại các địa bàn không triển khai can thiệp chỉ hơn 20%; nhận thức của phụ huynh về nguy cơ của đuối nước trẻ em tăng từ 63 lên 72%...

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành và các tổ chức có liên quan để xây dựng những nội dung của Chương trình Quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, có các mục tiêu, các giải pháp, và các hành động về tiếp tục giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích của trẻ em Việt Nam nói chung và những giải pháp về phòng chống đuối nước của trẻ em nói riêng. Những giải pháp và mô hình của Dự án sẽ được tiếp nhận và đưa vào trong Chương trình Quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện Dự án tại Việt Nam. Trong đó, các đại biểu đặc biệt đánh giá cao công tác phối hợp liên ngành và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, địa phương và của chính người dân để phòng chống đuối nước trẻ em. Đồng thời tôn trọng sự lựa chọn của địa phương, cũng như có các sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú với nhiều hình thức để đưa những thông tin tới cộng đồng. Thông qua những nỗ lực đó, các đại biểu mong muốn sẽ góp sức cứu được nhiều sinh mạng của trẻ em hơn nữa.