Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Tĩnh: Bảo tồn di tích lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn

(Dân sinh) - Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số: 3314/QĐ – UBND phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích lũy đá cổ huyện Kỳ Anh trên dãy Hoành Sơn.

Hà Tĩnh: Bảo tồn lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn - Ảnh 1.

Một đoạn Thành lũy cổ trên Đèo Ngang qua địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Như Báo Dân sinh đã đăng bài "Thành lũy cổ trên đèo Ngang bị tàn phá không thương xót" với nội dung: Hệ thống thành lũy bằng đá cổ được xây dựng trên dãy Hoành Sơn (đèo Ngang), thuộc địa phận xã Kỳ Lạc và xã Kỳ Lâm huyện Kỳ Anh được phát hiện vào năm 1993.

Theo đánh giá bước đầu của giới sử học thì hệ thống thành lũy cổ này có khả năng được xây dựng từ thời vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) hàng ngàn năm trước, có chiều dài trên 30km; cao khoảng 3m, mặt trên thành lũy tương đối bằng phẳng và rộng khoảng 2m; thành lũy được ghép đều đặn bằng những phiến đá tự nhiên có kích thước khác nhau (người dân bản địa thường gọi là đá Son) vuông vức theo phương thẳng đứng.

Hà Tĩnh: Bảo tồn lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn - Ảnh 2.

Một đoạn cửa hỏa hiệu (trong thành nhìn ra) tại hệ thống thành lũy trên đèo Ngang thuộc địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Theo chiều dài của thân thành lũy, cứ cách nhau khoảng 3-4m lại được trổ một lỗ hỏa hiệu kiểu dạng hình phễu, mặt trước to, mặt sau thu nhỏ lại, khả năng khi xây dựng công dụng của nó là vừa để thoát nước, vừa quan sát đánh trả kẻ địch lúc công phá thành.

Tại vị trí đặt hỏa hiệu hai bên có xây bậc theo kiểu tam cấp cho quân sĩ lên xuống thành lũy thuận tiện, đồng thời có địa điểm để tập kết quân sĩ được đào sâu dưới chân thành về phía Bắc gọi là học đóng quân, có kích thước hình vuông mỗi chiều dài từ 4,5-5m... do vương quốc Lâm Ấp xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích phòng thủ bảo vệ biên trấn...

Hà Tĩnh: Bảo tồn lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn - Ảnh 3.

Một đoạn cửa hỏa hiệu (ngoài thành nhìn vào) tại hệ thống thành lũy trên đèo Ngang thuộc địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 khoảng tháng 5/1655 đến tháng 5/1659) thì hệ thống thành lũy đá cổ này mới tiếp tục được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, cho nên người dân địa phương vẫn còn gọi là lũy Ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).

Đây là lũy đá cổ có quy mô độc đáo hiếm có tại Việt Nam. Năm 2014, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích Khảo cổ học Quốc gia đối với lũy đá cổ này.

Hà Tĩnh: Bảo tồn lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn - Ảnh 4.

Công trình đường điện quốc gia phá hỏng nhiều đoạn lũy thành để xây trụ cột điện

Tuy nhiên, vào thời kì chiến tranh chống Mỹ, nhiều đoạn hệ thống thành lũy này bị phá để làm đường quốc lộ 22A. Đặc biệt, hiện thành lũy đá cổ bị cây rừng, bụi rậm bao phủ và một phần bị người dân trong vùng khai thác đá làm công trình nhà cửa, đường vào trang trại...; một phần do xây dựng đường điện cao thế Bắc – Nam đi qua, nhiều chỗ bị san lấp để xây dựng cột trụ đường điện.

Ngoài ra, trước năm 2008 dưới chân đèo, thuộc địa phận xã Kỳ Lạc còn nguyên cả lũy thành bằng đất sét có kích thước rộng và dài tới hàng ngàn mét cũng đã bị các tổ chức, cá nhân phá hủy hầu như hoàn toàn để san lấp mặt bằng làm các công trình, nhà cửa...

Hà Tĩnh: Bảo tồn lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn - Ảnh 5.

Một đoạn thành lũy bị bạt làm bậc lên công trình đường lưới điện quốc gia

Trước nguy cơ thành lũy bị tàn phá nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số: 3314/QĐ – UBND phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích lũy đá cổ huyện Kỳ Anh tên dãy Hoành Sơn với kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh, nhằm tu bổ, tôn tạo di tích lũy đá cổ huyện Kỳ Anh – hạng mục hàng rào bảo vệ lũy đá. Công trình giao cho do Uỷ ban nhân dân xã Kỳ Lạc làm chủ đầu tư. Dự kiến thời gian thực hiện bắt đầu vào tháng 11, năm 2019.

Hà Tĩnh: Bảo tồn lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn - Ảnh 6.

Một đoạn Thành lũy cổ trên Đèo Ngang qua địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị tàn phá nghiêm trọng

Với mục tiêu đầu tư là bảo vệ di tích quốc gia lũy đá cổ ở xã Kỳ Lạc, công trình bao gồm các hạng mục: Phát quang bụi rậm, đào san đất tạo mặt bằng, làm mới hàng rào bao quanh lũy đá cổ cao 1,5m (móng trụ hàng rào bằng bê tông, trụ hàng rào bằng ống thép mạ kẽm, hàng rào bằng lưới B40 khung bằng ống thép mạ kẽm).

Ngoài hạng mục hàng rào bảo vệ, dự án sẽ làm thêm một con đường bậc thang dài khoảng 700m từ chân dốc Đèo Bụt tới đỉnh núi Trầm Hương dẫn lên lũy đá cổ.