Quay lại Dân trí
Dân Sinh

ILO luôn sát cánh cùng Việt Nam phát triển thị trường lao động

(Dân sinh) - Nhân dịp bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Ban Quan hệ đối tác và hỗ trợ các văn phòng quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (Giơnevơ, Thụy Sỹ) cùng các nhà tài trợ đến Việt Nam. PV Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc trao đổi vễ những đánh giá của bà về thị thị trường lao động Việt Nam

ILO luôn sát cánh cùng Việt Nam phát triển thị trường lao động - Ảnh 1.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Ban Quan hệ đối tác và hỗ trợ các văn phòng quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế


Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO riêng trong năm 2019. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ giữa ILO và Việt Nam, thưa bà?

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard :Trước tiên, tôi xin chúc mừng Việt Nam vì phê chuẩn 3 công ước quả là một thành tựu lớn. Một trong ba công ước nằm trong nhóm công ước cơ bản của ILO. Đó là công ước số 98 về thương lượng tập thể, với mục đích giúp bảo vệ người lao động tốt hơn, đồng thời tạo ra sân chơi công bằng đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều đó rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Công ước thứ hai là nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật. Công ước thứ ba về dịch vụ việc làm có vai trò quan trọng thúc đẩy hiệu quả của thị trường lao động.

Cả 3 công ước này đều giúp đặt nền móng để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế xã hội.

Dĩ nhiên đây không phải là những công ước đầu tiên mà Việt Nam phê chuẩn. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO. Nhưng 3 công ước mới nhất này đều là những dấu mốc mới quan trọng.

Tôi muốn nói rằng để phê chuẩn được công ước nghĩa là Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để chuẩn bị cho điều đó. Chặng đường đó thường kéo dài nhiều năm. Và khi phê chuẩn rồi, điều đó không có nghĩa là kết thúc. Việt Nam đã đánh dấu một dấu mốc mới, nhưng đó cũng chính là khởi đầu của một chặng đường khác – chặng đường triển khai và hiện thực hóa công ước tại Việt Nam.

Cả chặng đường tiến tới phê chuẩn công ước cũng như thực hiện công ước đều không thể được hoàn thành nếu thiếu vai trò của nhiều bên tại Việt Nam – đó là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI, Liên minh Hợp tác xã và các bên liên quan khác. Trong quá trình này cũng có sự hợp tác hiệu quả với ILO tại Việt Nam. Và khi ILO tham gia, điều đó đồng nghĩa với nhiều sự hỗ trợ về tài chính và hỗ trợ chung của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam.

Hướng tới tương lai, sự hỗ trợ này rất quan trọng. ILO tại Việt Nam và ILO nói chung sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trên con đường phía trước.

Việt Nam giờ đây đã là một quốc gia thu nhập trung bình. Điều đó có phải là trở ngại với Việt Nam trong việc tiếp cận hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực lao động việc làm, thưa bà ?

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, : Đó là một câu hỏi thú vị bởi đúng là các đối tác phát triển quan tâm chủ yếu đến các quốc gia thu nhập thấp. Tuy nhiên, một sự thực được ghi nhận là dù một quốc gia có ở vị thế thu nhập trung bình, quốc gia đó vẫn có thể gặp nhiều thách thức về cả mặt kinh tế và xã hội. Đó không chỉ là trường hợp của riêng Việt Nam, mà các quốc gia khác cũng vậy.

Giờ đây Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn có những thách thức và các đối tác phát triển mong muốn được sát cánh bên Việt Nam để tiếp tục tiến bộ hơn nữa. Các đối tác phát triển có thể tập trung hỗ trợ theo những cách khác nhau. Đồng thời, họ cũng muốn hợp tác với Việt Nam với mong muốn Việt Nam sẽ phát triển và ngày càng có khả năng tự đứng vững trên đôi chân mình với những nguồn lực của chính mình.

Theo bà, đâu là hướng đi của Việt Nam để tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực lao động – việc làm?

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard: Tôi cho rằng Việt Nam luôn được đồng hành bởi rất nhiều đối tác phát triển. ILO và các đối tác phát triển của ILO luôn mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.

Để thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, Việt Nam cần xác định rõ Việt Nam muốn gì, sẽ phát triển như thế nào và cần hỗ trợ nào từ các đối tác, bao gồm cả ILO. Cho đến nay, Việt Nam đã luôn làm tốt điều này. Việt Nam luôn rõ ràng về những gì mình muốn, những gì mình cần và những gì có thể hợp tác. Việt Nam sẽ cần tiếp tục phát huy điều này. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam cần chỉ ra rõ những thách thức mình đang phải đối mặt về cả lĩnh vực kinh tế, lao động, xã hội , và – trong thế giới về các mục tiêu thiên niên kỷ ngày nay – cả những thách thức về môi trường.

Bà đã từng giữ vị trí Giám đốc ILO Việt Nam trong giai đoạn 2007-2011. Trở lại Việt Nam lần này, bà cảm thấy thế nào?

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard: Với tôi, những năm ở Việt Nam là một trong những quãng thời gian đẹp nhất. Với gia đình tôi cũng vậy. Bởi thế, cá nhân tôi thực sự xúc động khi được trở lại đây.

Tôi chỉ quay lại trong vòng 1 tuần nhưng tôi cũng kịp nhanh chóng để ý thấy nhiều thay đổi ở đây. Trên đường từ sân bay về trung tâm Hà Nội, tôi thấy nhiều tòa nhà mới, nhiều con đường mới. Giờ đây Hà Nội có nhiều tòa nhà cao tầng hơn, nhiều trung tâm mua sắm hơn, giao thông đông đúc hơn, có thêm nhiều ô tô. Nhưng Hà Nội cũng lại có thêm nhiều xe đạp và người dân quan tâm hơn tới sức khỏe, môi trường so với thời gian tôi ở đây, và điều đó thực sự quan trọng.

Nhưng Hà Nội không thay đổi ở trong sâu thẳm, trong tâm hồn.

Lần này rất tiếc các con của tôi phải đến trường nên không thể đi cùng tôi về Việt Nam. Vậy nên tôi phải chụp ảnh liên tục để cập nhật cho các con, và các cháu vẫn có thể nhận ra những góc phố quen thuộc ở đây.

Và tôi dám chắc là món phở vẫn ngon như 10 năm trước đây.

Điều quan trọng nhất với tôi trong lần trở lại này là tôi lại được gặp lại những người bạn, được cảm nhận tình bạn lớn lao, và điều đó thật tuyệt vời.

Xin trân trong cảm ơn bà !