Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khánh Hòa: Bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại TP Nha Trang

(Dân sinh) - Ngày 19/9, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết: 3 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn lợn lai thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Kiểm (ở thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Sự việc xảy ra trước đó, các cơ quan chức năng thành phố Nha Trang kiểm tra đàn lợn lai thương phẩm 24 con của hộ ông Nguyễn Văn Kiểm thì phát hiện 3 có biểu hiện mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với các triệu chứng như: xuất huyết, tím tái vùng da mỏng, hạch xung huyết... Cơ quan chức năng địa phương đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho tiêu huỷ 3 con lợn này.

UBND xã Phước Đồng đã yêu cầu chủ hộ tiếp tục cách ly, theo dõi tình hình dịch bệnh của 21 con lợn còn lại. Nhưng sau đó ông Nguyễn Văn Kiểm đã tự bán hết 21 con lợn nói trên và không khai báo với chính quyền địa phương, không chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh.

Khánh Hòa: Bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Nha Trang - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Qua điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Kiểm khai mua đàn lợn này từ nơi từng xuất hiện ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi trước đó là xã Suối Dầu huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vào ngày 31/7/2020, ông Nguyễn Văn Kiểm cũng đã tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho lợn nái và đến ngày 22/8/2020 đã tiêm phòng vắc xin Tai xanh cho đàn lợn trên.

Bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi ( tên tiếng Anh: African swine fever -ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dịch tả lợn Châu Phi ASFV gây ra. Bệnh có đặc điểm: lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã) xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ lợn bị chết cao, lên đến 100%. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), bệnh không có khả năng lây sang người.

Đặc điểm bệnh: Bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 đến15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 đến 4 ngày. Ở dạng cấp tính, do các chủng có độc lực cao, lợn có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản.

Các chi có thể chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Lợn trở nên run rẩy, đứng không vững, thở bất thường, và đôi khi ho. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, lợn sẽ bị hôn mê, sau đó chết. Đối với nhiễm trùng nhẹ hơn, lợn sẽ giảm cân, và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.