Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không thể chủ quan

(Dân sinh) - Đó là câu hỏi khó với cả các nhà quản lý và chuyên môn. Bởi nguy cơ là có thật, khi hầu như các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam đều có người nhiễm, trong khi đó tình hình "vượt biên lậu" vẫn đang tiếp diễn; trong nước đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan trong tổ chức, giám sát cách ly ở khu vực dân sự, khách sạn.

Tại hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn mới tổ chức ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá nguy cơ dịch quay lại rất lớn, do tình hình dịch thế giới đang rất căng thẳng, nguy cơ dịch "nhập khẩu" từ người nhập cảnh trái phép, từ các nguồn lây khác rất lớn. Bài học từ "ổ dịch" Đà Nẵng cách đây 4 tháng vẫn còn tươi mới, là lời nhắc nhở mọi người phải luôn cảnh giác. 

Không thể chủ quan - Ảnh 1.

Giám sát cách ly ở khu vực dân sự

Bởi một khi dịch tái bùng phát ở Việt Nam – trong giai đoạn nền kinh tế đang "chạy nước rút" những tháng cuối năm, phía trước đã là năm mới 2021 và Tết Nguyên đán, với rất nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng thì chắc chắn hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Hãy thử hình dung, khi hầu hết doanh nghiệp hối hả "tăng tốc" sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị lượng hàng phục vụ thị trường dịp Tết hoặc hoàn tất các hợp đồng với đối tác; khi cả số lao động cơ hữu của các doanh nghiệp lẫn lao động thời vụ đang tất bật làm việc trong mùa cao điểm, mà do tình hình dịch bệnh, tất cả đều phải "hãm tốc", hay thậm chí phải dừng hẳn trong trường hợp diễn biến dịch đặc biệt nghiêm trọng thì mọi chuyện sẽ ra sao? Rất có thể sẽ là một khởi đầu năm mới "thảm họa" và rất nhiều người, nhiều gia đình mất Tết!

Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT-BYT về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa Đông Xuân tại nhiều nơi trên thế giới. 

Không thể chủ quan - Ảnh 2.

Nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Âu, đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Trong nước, mặc dù đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng nhưng nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các ộ, ngành liên quan...

Mặc dù gần đây, thông tin về vắc xin Covid-19 cho thấy tình hình ngày một khả quan hơn nhưng dù sao đó cũng đang là câu chuyện của "thì tương lai", nhất là với Việt Nam. Nếu dịch bùng phát với cường độ mạnh thì không loại trừ khả năng sẽ tái áp dụng các biện pháp "mạnh tay", với hệ lụy là ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội. Vì thế, việc kiểm soát dịch một cách nghiêm ngặt vào lúc này là rất cần thiết. Trước hết, các địa phương, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm – dù vô tình hay cố ý. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của nguy cơ dịch bệnh để mọi người cùng có ý thức cảnh giác và cùng tự giác tuân thủ các chỉ đạo, quy định của Chính phủ, quyết không để dịch "tái xuất" ở Việt Nam thêm một lần nữa.