Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Đào tạo nghề lao động nông thôn giúp người dân nâng cao thu nhập

(Dân sinh) - Qua 10 năm triển khai, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở Quảng Ninh đã giúp nhiều người dân có việc làm, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, người lao động ở khu vực miền núi có thêm kiến thức để phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Bên cạnh chính sách chung của cả nước, tỉnh Quảng Ninh ban hành thêm chính sách hỗ trợ người tham gia học nghề, cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT và giảng viên đào tạo nghề cho LĐNT.

Quảng Ninh: Đào tạo nghề lao động nông thôn giúp người dân nâng cao thu nhập  - Ảnh 1.

Dạy nghề cho lao động nông thôn theo phương thức cầm tay chỉ việc.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh: "Công tác tổ chức triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Chương trình đào tạo thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của nông dân nên được người dân hưởng ứng tích cực". Số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&Xh cho thấy, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng mạnh qua các năm. Cụ thể: Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 48%, trong đó qua đào tạo nghề là 38%; năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 64,5%, trong đó qua đào tạo nghề là 49,5%. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tính đến ngày 1/10/2020 có 42 đơn vị, trong đó: 7 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 7 cơ sở tham gia dạy nghề khác tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2010-2020, các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp đã được tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho 20.326 lao động, đạt 58,29% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. Trong đó tập trung đào tạo các nghề phục vụ cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch dịch vụ của tỉnh như: Điện nước nông thôn, Nề hoàn thiện, Điện dân dụng, Lái xe,du lịch và dịch vụ... Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 14.544 lao động, chiếm 41,7% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo. Đào tạo nghề cho người khuyết tật, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu và các đối tượng chính sách xã hội khác đã được chú trọng.

Trong giai đoạn 2010-2020, đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và trình độ sơ cấp cho 9.506 người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh. Các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước phổ biến, tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho các đoàn viên, hội viên; tuyên truyền và vận động doanh nghiệp quan tâm và tuyển dụng lao động nông thôn sau học nghề.

Cùng với đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã cũng được quan tâm. Từ năm 2010-2020, 38.977 lượt cán bộ, công chức cấp xã đã được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó: Giai đoạn 2010-2015 tổ chức được 56 lớp cho 5.567 lượt; giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ, bồi dưỡng cho 25.532 lượt người.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, các mô hình đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc ổn định; đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả; đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian qua, Quảng Ninh ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại địa phương, trong đó tập trung đào tạo cho các đối tượng lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP); nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Qua thực tiễn triển khai hoạt động hỗ trợ LĐNT học nghề có nhiều mô hình hiệu quả. Đối với các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, ngoài việc hỗ trợ đào tạo cho người lao động là lao động nông thôn đang làm việc tại doanh nghiệp chưa qua đào tạo nghề còn đào tạo cho người lao động tham gia tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp. Nhiều học viên sau khi đào tạo thành lập các tổ đội xây dựng, mỗi tổ có khoảng 15-20 lao động, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Các lớp về du lịch và dịch vụ đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, người học nghề sau khi tốt nghiệp các lớp nấu ăn đã có việc làm như: Tự mở quán ăn, thành lập các Tổ nấu ăn phục vụ cho việc hiếu, hỷ, hội nghị, nấu ăn cho các lớp bán trú tại các trường mầm non, tiểu học, đáp ứng nhân lực cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, mức lương từ 5-10 triệu thồng/tháng.