Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hoá: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 330.000 lao động

Trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã xây dựng và triển khai Đề án tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề. GQVL cho trên 330.000 lao động

Từ năm 2015 đến nay, Sở đã tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật cho hơn 15.000 lượt lao động tại 950 lượt doanh nghiệp; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH tại 600 doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; đồng thời, đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động.

Thanh Hoá: GQVL cho trên 330.000 lao động - Ảnh 1.

Đào tạo nghề cho lao động Thanh Hoá

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động chiếm 10,4% tổng số doanh nghiệp và tỷ lệ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực chiếm 4,6% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chế độ tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp từng bước được cải thiện, mức tiền lương bình quân của người lao động năm 2019 đã tăng khoảng 23% so với năm 2015.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH được thực hiện hiệu quả. Đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh có 10.041 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, với 371.604 người tham gia (tăng 78.612 người so với cuối năm 2015) và có 311.767 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 60.178 người so với cuối năm 2015). Chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong 05 năm, đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho gần 70.000 lao động; đồng thời, quan tâm tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí cho 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Trịnh Ngọc Dũng cho biết: "Trong thời gian qua, ngành đã tham mưu ban hành Chương trình việc làm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2021; kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động hằng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá".

"Đồng thời, cập nhật đầy đủ các thông tin biến động cung, cầu lao động của tỉnh làm cơ sở xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thị trường lao động. Sở đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trung bình hằng năm, đã tổ chức trên 45 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố, thu hút hàng chục nghìn lao động và hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng" - ông Trịnh Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Trong 05 năm, toàn tỉnh dự kiến giải quyết việc làm mới cho trên 330.000 lao động, trong đó có trên 50.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước giảm còn 3,1% và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ước giảm còn 6,1%; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp ước giảm còn 37,9%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.