Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ do ảnh hưởng của áp thấp

(Dân sinh) - Sáng 7/10, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã có buổi làm việc với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá về công tác chuẩn bị, triển khai ứng phó với vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 23 trận thiên tai (15 đợt giông, lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 2 cơn bão; 6 đợt nắng nóng).

Thanh Hóa: Sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ do ảnh hưởng của áp thấp - Ảnh 1.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá

Trong đó đáng chú ý là đợt dông lốc kèm theo mưa đá xảy ra ngay trong đêm 30 và rạng sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Tý (đây là hiện tượng hiếm gặp báo hiệu sự bất thường, cực đoan của thiên tai trong năm 2020).

Thiên tai đã làm 1 người chết; 2 người bị thương; 9.131/122.477 ha lúa vụ mùa bị thiếu nước tưới do nắng nóng, hạn hán; 1.489 nhà, 117 ha lúa, 26 ha hoa màu, 545 ha cây trồng hàng năm, 42 ha cây trồng lâu năm, 46 ha cây ăn quả tập trung, 391 ha rừng bị thiệt hại và nhiều tài sản khác, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 68,62 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa, trong đó có 240 hồ chứa đầy nước, 370 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước thiết kế từ 1 mét trở lên; về công trình đê điều, hồ chứa do tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu năm đã gây ra hư hỏng tại 3 hồ chứa; một số đê bị nứt đê tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Xương; xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn; và đê tả sông Hoàng… tất cả các sự cố trên đều được phát hiện và xử lý theo phương châm 4 tại chỗ; hiện nay các địa phương đang theo dõi diễn biến sự cố, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền khẩn trương khắc phục.

Theo rà soát trên địa bàn có khoảng 50 nghìn hộ dân ở khu vực ven biển, cửa sông phải sơ tán khi có bão; hơn 48 nghìn hộ nằm ở khu vực bãi sông, ven sông nơi không có đê phải sơ tán khi có lũ; 23 nghìn hộ ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt; đặc biệt là gần 10 nghìn hộ ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Công tác phòng chống thiên tai, năm nay tỉnh Thanh Hóa tập trung vào công tác hậu cần, sơ tán dân. Đây là phương án mới, rút kinh nghiệm sạt lở ở các năm trước, năm nay chú trọng phương án khắc phục sạt lở đất đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc trong phòng chống thiên tai. Về công tác chuẩn bị ứng phó, phòng chống thiên tai, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 4 sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai với lực lượng huy động 1.100 chiến sĩ. Riêng đối với lực lượng xung kích, đến nay tất cả các địa phương đã thành lập, củng cố, kiện toàn Đội xung kích phòng chống thiên tai với 56,618 người tham gia…

Đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tại buổi làm việc, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương cũng thông tin, trong những ngày tới do ảnh hưởng của áp thấp từ nay đến 11/10 xảy ra mưa to đến rất to, sau ngày 11 có thể diễn biến phức tạp.

"Thanh Hóa chưa phải là vùng trọng tâm mưa, tuy nhiên cần sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai. Tỉnh Thanh Hóa cần chú ý đến sản xuất nông nghiệp, thu hoạch lúa, rau màu vụ mùa, giảm thiệt hại nếu có ngập úng, có phương án tiêu úng với cây trồng vụ đông; đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho các trang trại chăn nuôi lớn khi có ngập úng. Tổ chức kiểm tra các hồ, đập vừa và nhỏ, vận hành đóng, mở cửa kịp thời tránh tình huống xấu xảy ra. Đối với khu vực miền núi cần đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn người và tài sản nếu xảy ra lũ quét, sạt lở đất.." - ông Thành thông tin.

Theo kế hoạch, chiều nay (7/10) đoàn công tác Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương tiếp tục đi kiểm tra một số hồ, đập, công trình đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.