Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thủ tướng: Phòng chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 bước sang giai đoạn 2 diễn ra sáng ngày 3/8.

73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ với nhiều hình thức hết sức phong phú

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tháng 7 vừa qua, cả nước đã tổ chức trong phạm vi quốc gia các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ với nhiều hình thức hết sức phong phú từ Trung ương đến địa phương, thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và giáo dục truyền thống; được nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền ủng hộ.

Thủ tướng: Phòng chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

"Song, sau 99 ngày không có tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng, trong tháng Bảy đã xảy ra tình trạng một số địa phương có các ca dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, thành phố Hội An, thành phố Ban Mê Thuột; một số ca đã tử vong, Cùng với đó, một số huyện, một số điểm tại các địa phương đã thực hiện cách ly xã hội," Thủ tướng cho biết.

Ngay sau khi dịch tái xuất hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp để chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch.

Thủ tướng nêu rõ do dịch lần 2 phức tạp, chúng ta vẫn tiếp tục coi chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình, mỗi thôn, bản, làng xóm là một pháo đài; mỗi người dân, là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.

Cả nước đã tăng cường lực lượng cần thiết xử lý ổ dịch lớn của cả nước là thành phố Đà Nẵng với hàng ngàn cán bộ y tế từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh do một Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp vào hỗ trợ Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và nhiều địa phương có ổ dịch đã có những biện pháp cương quyết để ngăn ngừa, xử lý.

Nhắc đến chủ trương lớn "không để đứt gãy nền kinh tế," Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp trên nhiều khu vực khác nhau từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ để thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, một khối lượng vốn đầu tư giải ngân tăng kỷ lục trong tháng Bảy.

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều suy thoái do COVID-19, nhiều đối tác chiến lược của Việt Nam đều suy giảm nghiêm trọng; song song với đó là cạnh tranh chiến lược một số nước lớn diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thế giới, trong đó có vấn đề biển Đông. Nhiều nước tung ra gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho giáo dục, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy vậy, Thủ tướng cho biết các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Về lĩnh vực xã hội, Thủ tướng nêu con số, tháng 6 đầu năm đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%. Ngoài ra, có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch Covid-19. Thủ tướng nhắc, nếu không quan tâm đủ vấn đề lao động, tình hình xã hội sẽ phức tạp.

12 triệu người được nhận gói hỗ trợ an sinh

Báo cáo về việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 27/7, cả nước phê duyệt trên 16 triệu người được hưởng gói hỗ trợ an sinh với số kinh phí 17,5.000 tỷ đồng. Theo số liệu Kho bạc Nhà nước, đến ngày 27/7 đã giải ngân gần 12.000 tỷ hỗ trợ cho 12 triệu người và hỗ trợ 12.784 hộ kinh doanh.

Hiện, Tổng cục Thuế đã thẩm định 27.000 /30.964 hộ kinh doanh trong đó đủ điều kiện hỗ trợ 22.000 hộ và 1.519 đơn vị được tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí tử tuất cho 138.000 người. "Đến nay về cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc chi hỗ trợ các nhóm kể cả các nhóm yếu thế"- Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiện gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương người lao động gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. "Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý cho sửa đổi Nghị Quyết 42 và Quyết định 15. Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp các Bộ hoàn thành toàn bộ hồ sơ, trong đó từ thẩm định, lấy ý kiến Bộ Tư pháp về sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15" – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện gói 16.000 tỷ đồng sẽ tập trung 2 nội dung cơ bản: Thứ nhất bổ sung thêm nhóm hỗ trợ là giáo viên mần non, giáo viên tư thục, dân lập bị ngừng việc, chấm dứt hợp đồng không có nguồn thu ( Nhóm đối tượng này theo thống kê vào khoảng 145.000 người, ước tính số tiền là 1.600 tỷ đồng). Thứ 2, tháo gỡ vướng mắc gói vay 16.000 tỷ đồng. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Ngân hàng, Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ cho giảm tiêu chí, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận gói vay này. "Về thủ tục, hồ sơ đã đầy đủ đề nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê chuẩn vấn đề này"- Bộ trưởng đề xuất.

Về hỗ trợ tinh giảm biên chế theo Nghị định 108 và Nghị định 113, Bộ trưởng cho rằng , thời gian qua vừa qua việc thực hiện vấn đề này rất lúng túng, bởi không biết lấy tiền đâu để chi tinh giảm biên chế, giờ chúng ta xác định lấy từ Quỹ sắp xếp doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp. "Tuy nhiên, đây mới là người lao động trong khu vực doanh nghiệp, còn khu vực công chức, viên chức trong khối Đảng, Đoàn thể, Nhà nước, chúng ta vừa khuyến khích người ta nghỉ sớm, nhưng rất khó khăn về nguồn kinh phí. Việc đẩy kinh phí tinh giảm biên chế khu vực này cho bảo hiểm hưu trí, tử tuất đã tạo gánh nặng cho quỹ Bảo hiểm. Điều này, không phù hợp với kinh tế thị trường, không phù hợp với chính sách Bảo hiểm xã hội"- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng và Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu các chính sách để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ sớm để có khoản bù đắp lại, không để toàn bộ gánh nặng cho bảo hiểm hưu trí tử tuất.

Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP. Đà Nẵng. Chúng ta đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế. Nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì cố gắng gượng dậy, Thủ tướng ví von về sức khỏe nền kinh tế.

Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch. Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế.

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.

Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu, các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ có liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III năm 2020 và năm 2021. "Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn", Thủ tướng lưu ý. Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan.

Về đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.

Chủ tịch các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp. Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.

Trong tháng 7/2020, cả nước tạo việc làm cho 120 nghìn người; ước 7 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 694 nghìn người, đạt 43,1% kế hoạch, bằng 75,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 660 nghìn người, bằng 78,6% cùng kỳ; đưa trên 34 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 43,5% cùng kỳ năm 2019