Dịp cuối năm thường được kỳ vọng là mùa tiêu dùng khi gắn với nhiều đợt nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, trước xu hướng “thắt chặt hầu bao” của người dân cần các chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế, tài khóa và an sinh xã hội.
Rầm rộ các chương trình khuyến mại, giảm giá
Hiện hệ thống siêu thị của Tập đoàn Masan đã và đang triển khai Chương trình ưu đãi lớn nhất năm, giảm giá lên tới 50% tại WinMart/WinMart+/WiN tập trung vào các khuyến mại kích cầu, mang đến ưu đãi đa dạng cho hàng nghìn mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gia dụng, thời trang, hóa mỹ phẩm... cùng các hình thức mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, đặc biệt ưu đãi “Chỉ 10.000 đồng” cho một số sản phẩm chọn lọc.
Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý siêu thị GO!, Tops Market, BigC) cho biết, từ nay đến ngày 27/11, khi người tiêu dùng mua các sản phẩm như thực phẩm xanh, thực phẩm tươi sống... đều được ưu đãi từ 25 - 50% giá trị sản phẩm.
Ngoài chương trình khuyến mại từng mặt hàng, hệ thống siêu thị đang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cả trong Nam và ngoài Bắc nhằm tìm kiếm, mở rộng thêm các nhà cung cấp hàng hóa đặc sản vùng miền, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Trong tháng 11, Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra. Theo đó, Tháng Khuyến mại Hà Nội sẽ có khoảng 800 - 1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có mức giảm giá từ 30 - 100% cho các sản phẩm.
Còn tại Đà Nẵng, từ 25/11/2024 đến 28/1/2025, Sở Công Thương sẽ triển khai chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm (đợt 2) trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng đăng ký tham gia chương trình sẽ đồng loạt có các chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ với các hình thức như: Bốc thăm trúng thưởng, tặng quà kèm sản phẩm, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, tặng voucher mua sắm… với mức giảm tối đa 100% tổng giá trị hàng hóa dịch vụ được khuyến mại.
Tại TPHCM, Sở Công Thương cho biết đã công bố chương trình bình ổn thị trường cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình dự kiến có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023.
Từ nay đến cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi tập trung như “Rộn ràng mua sắm mùa xuân” sẽ được diễn ra. Đặc biệt, lượng hàng bình ổn theo cam kết của chương trình sẽ chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng bình thường và chiếm khoảng 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng tết.
Để thúc đẩy tiêu dùng hiệu quả
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 6/11 nhận định, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).
Trước các dữ liệu của Tổng cục Thống kê, các chuyên gia kinh tế nhận định, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 và 10 tháng năm nay tiếp tục giữ đà tăng, song tiêu dùng nội địa phục hồi chưa cao.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng qua đã phản ánh khó khăn của các gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế khiến người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm hơn và trì hoãn các khoản mua sắm có giá trị lớn.
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, thị trường tiêu dùng nội địa đóng vai trò quan trọng và là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh những chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm lãi suất ngân hàng, các chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu.
Cùng với đó cần phát huy hiệu quả chương trình khuyến mãi quốc gia, tăng cường vai trò các cơ quan xúc tiến thương mại, gia tăng các sự kiện như hội chợ, triển lãm nhằm đẩy mạnh quảng bá, khuyến mại; tổ chức nhiều hơn các lễ hội cuối năm, khôi phục lại các lễ hội và khuyến khích phát triển du lịch trong nước để tăng tổng cầu...
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, để kích cầu tiêu dùng một cách hiệu quả, Chính phủ cần triển khai chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội, chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí tiêu dùng của người dân;
Thực hiện các chính sách giảm sự tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng giá điện. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp để đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Thực hiện có hiệu quả các nền tảng thương mại đang hoạt động, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, mở rộng tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết. Cần khuyến khích người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam nhằm tận dụng thị trường hơn 100 triệu dân.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế nhằm thu hút khách quốc tế. Đây chính là giải pháp tốt, góp phần thúc đẩy và tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ trong nước, như: Lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vận tải; bán lẻ hàng hóa... những tháng cuối năm.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 140