Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, gió giật cấp 13

(Dân sinh) - Bản tin cập nhật của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết, đến 11giờ ngày 28/10, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 13.

Gió thực đo lúc 13h ngày 28/10, Quảng Trị: Cồn Cỏ cấp 7, giật cấp 9; Thừa Thiên Huế: Nam Đông cấp 5, giật cấp 8; Đà Nẵng: cấp 5, giật cấp 8; Quảng Nam: Tam Kỳ: cấp 7, giật cấp 10; Quảng Ngãi: Lý Sơn cấp 9, giật cấp 13, Ba Tơ cấp 6, giật cấp 9; Bình Định: Quy Nhơn: cấp 5, giật cấp 9; Hoài Nhơn: cấp 6, giật cấp 9.

Trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, gió giật cấp 13 - Ảnh 1.

Bão số 9 làm gãy đổ nhiều cây xanh.

Từ 28-29/10, từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên mưa 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt. Từ 28-31/10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500-700mm/đợt. Quảng Bình - Quảng Trị mưa 200-400mm/đợt. Thực đo: Từ 19h ngày 27/10 đến 10h00 ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum có mưa 200-450mm, một số trạm mưa lớn như: Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 450mm, Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 470mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 435mm.

Lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên nhưng ở mức trên BĐ1, riêng thượng lưu sông Kôn (Bình Định) trên BĐ3, hạ lưu còn dưới BĐ1.

Dự báo đến tối 28/10, Quảng Ngãi: sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 6,0m, dưới BĐ3 0,5m; sông Vệ tại Sông Vệ lên mức 5,0m, trên BĐ3 0,5m. Bình Định: lũ đạt đỉnh vào tối 28/10, trên sông An Lão tại trạm An Hòa đạt 25,00m trên mức BĐIII 1,00m; sông Kôn tại trạm Vĩnh Sơn đạt 75,00m trên mức BĐIII 1,00m, hạ lưu ở BĐ1. Kon Tum: sông Đắkbla tại Kon Tum lên mức 521,10m, trên BĐ3 0,6m; Mực nước trên các sông khác ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai dao động ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.

Toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (46 tàu/368 lao động Bình Định đã ra khỏi khu vực nguy hiểm). Thông tin về 2 tàu của Bình Định không thay đổi so với báo cáo lúc 23h ngày 27/10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 02 tàu Hải quân và 02 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; các địa phương từ Thừa Thien Huế - Bình Định cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27/10; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28/10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Do ảnh hưởng của bão, hiện tại có 360 xã đang bị mất điện chủ yếu tại Đà Nẵng – 11 xã; Quảng Nam – 56 xã; Quảng Ngãi – 145 xã; Bình Định – 97; Phú Yên – 51 xã. Chiếm tổng số trên 10% phụ tải của miền Trung.

Theo thống kê ban đầu, bão số 9 đã làm 2 người ở Bình Định bị thương, 3 ngôi nhà bị sập, 972 ngôi nhà tốc mái. 31 trụ sở cơ quan và 28 điểm trường bị hư hại, tốc mái (Quảng Ngãi).

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9, cần theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão. Tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả (đặc biệt là Quảng Ngãi). Triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông cho đến khi bão tan.

Vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình. Tăng cường lực lượng trực ban, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả. Chỉ đạo ứng phó mưa lũ khu vực thấp trũng và khu vực Tây Nguyên.Tổ chức họp Ban Chỉ đạo thường xuyên để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó.