Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ khóa "sao kê"

(Dân sinh) - Những ngày gần đây, "sao kê" đang là một "hot key" trên mạng xã hội, liên quan đến một "nhân vật trên mạng" cùng hàng loạt nghệ sĩ như: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Trấn Thành... và hoạt động kêu gọi từ thiện của họ. "Nhân vật trên mạng" này yêu cầu những nghệ sĩ này công bố sao kê số tiền làm từ thiện.

Ngay sau đó, dân mạng chia làm "2 phe", một "phe" ủng hộ "nhân vật trên mạng" với lập luận "kêu gọi từ thiện thì phải minh bạch, công khai", "phe" còn lại cho rằng, đòi hỏi của "nhân vật trên mạng" là "vô lý", không phải chức năng của người này...

Cùng lúc, các nghệ sĩ bị nêu đích danh đã có những phản ứng khác nhau: Thủy Tiên - Công Vinh cho biết, sẽ ra ngân hàng sao kê và livestream để mọi người cùng chứng kiến; Trấn Thành tung ra trên trang cá nhân một "tập tài liệu" cả nghìn trang sao kê, còn Đàm Vĩnh Hưng thì... dọa kiện "nhân vật" nọ.

Suốt mấy tháng nay, "nhân vật trên mạng" đã nhiều lần livestream để "vạch trần" những "góc khuất" trong giới nghệ sĩ, trong đó có cả những điều mà người này cho là "thiếu minh bạch trong sử dụng tiền kêu gọi đóng góp từ thiện" của một số nghệ sĩ với những khoản tiền rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Từ khóa "sao kê" - Ảnh 1.

Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Trấn Thành... và hoạt động kêu gọi từ thiện của họ.

Vì đây là vấn đề "nhạy cảm" nên đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân. Trao đổi với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai... là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam. Đây là việc làm mà Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp, vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ.

Pháp luật cũng quy định cụ thể việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai... Vì vậy, ông khẳng định, những trường hợp nào có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến các thông tin dư luận gần đây về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quyên góp tiền từ thiện nhưng lại có nghi vấn sử dụng không đúng mục đích, ông cho biết, hiện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo, công an địa phương chưa có báo cáo, tổng hợp. "Nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ vào cuộc để đảm bảo đúng quy định", Trung tướng nhấn mạnh.

Thật ra, không ít nhân vật nổi tiếng đã từng làm từ thiện với những đóng góp rất lớn nhưng không hề chịu điều tiếng. Ví dụ như cặp vợ chồng Việt Hương - Hoài Phương khẳng định rằng, họ "không kêu gọi quyên góp từ thiện và không nhận tiền". Còn ca sĩ Thái Thùy Linh thì minh bạch bằng cách "không dại một mình quản lý tiền bởi tâm có trong như nước cũng không tránh khỏi nghi kỵ". Còn nghệ sĩ Xuân Bắc cũng có cách minh bạch hoạt động thiện nguyện của mình khi anh thường kết hợp cùng một tập thể, có thể là nhà hát anh đang làm Giám đốc hoặc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung ương Đoàn, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (nơi anh là đại sứ)…

Người phát ngôn của Bộ Công an cũng khẳng định, đối với những trường hợp livestream nên thực hiện đúng luật bởi quyền tự do ngôn luận là của mọi người dân. Trường hợp nào thực hiện các hành vi này mà vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng thì sẽ bị xử lý.