Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyệt đối không chủ quan ứng phó với bão số 10

Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 10.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tại, bão số 10 (Goni) đang có cường độ mạnh cấp 8; trong ngày 3/11, với tác động của cao nhật nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tiếp tục gia tăng nên bão có thể tăng cường độ, đạt cấp 9. Ngày 4/11, khi vào trong với tác động của nhiệt lực, bão có khả năng giảm cấp. Đến ngày 5/11, bão ảnh hưởng trực tiếp các khu vực nước ta với cường độ cấp 8, có thể thấp hơn.

Lưu ý các tác động do bão số 10, đại diện cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, trên biển, cảnh báo gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 5-7 m. Chiều tối ngày 4/11, nước ta bắt đầu bị ảnh hưởng mưa do bão số 10. Đặc biệt, lưu ý mưa hướng vào khu vực vừa chịu thiệt hại do bão số 9.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: “Do hoàn lưu bão số 10 kết hợp không khí lạnh tăng cường nên sẽ gây đợt mưa lớn diện rộng. Nhận định xa cho thấy, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa trung bình từ 100-200 mm từ chiều tối ngày 4 đến 6/11. Sau đó, mưa dịch chuyển ra Nghệ An, Quảng Trị với lượng mưa 150-300 mm từ ngày 5 đến 7/11”, baochinhphu thông tin.

Hanoimoi cho biết, cùng chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường.

Tuyệt đối không chủ quan ứng phó với bão số 10 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kết luận chỉ đạo cuộc họp ứng phó bão số 10.

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đêm qua (1/11), bão Goni đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10 trong năm 2020. 10h hôm nay (2/11), bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km. Do quỹ đạo hẹp, chịu tác động của không khí lạnh nên cường độ của bão giảm nhanh. Đến 7h ngày 4-11, bão cách tỉnh Quảng Nam khoảng 300km, cách tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định khoảng 220km, cách tỉnh Phú Yên khoảng 240km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Đến ngày 5-11, bão đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới...

Ứng phó với bão số 10, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.585 tàu cá với 233.327 lao động trên biển biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh, về nơi an toàn… Ngoài triển khai phương án ứng phó với bão, các đơn vị quân đội tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất; trong đó, tích cực tìm kiếm người mất tích trên vùng biển Bình Định, người mất tích do sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế…

Về tình hình thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 2/11, bão số 9 đã làm 33 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Nam 23 người, tỉnh Nghệ An 8 người... Hiện 4 tỉnh còn 49 người mất tích; trong đó, tỉnh Quảng Nam 24 người, tỉnh Bình Định 23 người… Đến sáng nay, tỉnh Nghệ An còn 13.573 hộ dân bị ngập, tỉnh Hà Tĩnh còn 1.909 hộ dân bị ngập...

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định, bão số 10 tuy giảm cường độ nhưng tính chất rất phức tạp, gây nguy hiểm trực tiếp cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, một số người dân ở khu vực Nam Trung bộ chưa có kinh nghiệm trong ứng phó các cơn bão lớn. Hơn nữa, địa chất tại nhiều tỉnh miền Trung đã ngậm no nước nên có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất… Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt coi trọng triển khai phương án phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hồ đập.

Kết luận chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong ứng phó bão số 10; trong đó, tập trung thông báo, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát khỏi khu vực nguy hiểm, vào nơi trú tránh an toàn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương sơ tán người dân ra khỏi lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trước khi bão đổ bộ; bảo đảm an toàn cho thủy thủ trên 5 tàu kiểm ngư đang làm nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích trên biển.

Trên đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đặc biệt quan tâm công tác sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trao đổi bên lề cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài khẳng định, thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… Tuy nhiên, do tính chất bão số 9 rất mạnh, phức tạp, xuất hiện các sự cố bất khả kháng (tàu thuyền bị hỏng máy trong thời gian di chuyển vào nơi tránh bão; khó nhận diện, cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất…) nên thiệt hại còn lớn.

Trao đổi về công tác ứng phó sự cố sạt lở đất tại Nhật Bản, ông Yasuhiro Tanaka, chuyên gia Tổ chức JICA, Cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cũng giống Việt Nam, Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn để nhận biết khi nào và bao giờ xảy ra sạt lở đất. Bởi hiện tượng này phụ thuộc các dữ liệu: Lượng mưa, tính chất địa chất của từng vùng… Ứng phó với hiện tượng sạt lở đất, Nhật Bản đã xây dựng bản đồ cảnh báo và hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở đất và có kế hoạch sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao. Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp này.