Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vì sao điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng 30/30?

Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng cao không phải do số lượng học sinh giỏi, xuất sắc nhiều hơn mà do các yếu tố khác.

Vì sao điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng cao, thậm chí vượt ngưỡn 30/30? - Ảnh 1.

Điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng cao là điều đã được dự báo trước

Theo tờ VOV điện tử, trong 2 ngày ngày 15, 16/9, các trường ĐH trên cả nước đã hoàn tất việc công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học đợt 1 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều đáng chú ý là năm nay nhiều ngành có mức điểm cao kỷ lục, thậm chí trên 30 với các tổ hợp xét tuyển 3 môn, không có môn nhân đôi.

Từ dữ liệu điểm chuẩn từ các trường đại học đã công bố, năm 2021, nhiều ngành "hot" tại các trường top trên đạt ngưỡng "chạm trần", thậm chí vượt ngưỡng 30/30. Trong đó có ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao – ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy 30,5 điểm, ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân, lấy 30,34 khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) với nữ. Mức điểm này không có môn nhân đôi, tức nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh nữ đạt mỗi môn 10 điểm vẫn trượt.

Lý giải về nguyên nhân điểm chuẩn tăng cao, VOV dẫn nhận định của TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sự gia tăng điểm chuẩn tại các trường top có nhiều thí sinh quan tâm đã được dự báo trước do có một số trường đã chuyển chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác. Đặc biệt, năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tăng khá mạnh so với những năm trước nên kéo theo điểm trúng tuyển các ngành có môn này cũng tăng theo.

Còn theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài Chính, điểm chuẩn năm 2021 cao do phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ điểm 8-8,5 rất nhiều. Tuy nhiên, điểm chuẩn đại học cao không phải do số lượng học sinh giỏi, xuất sắc nhiều hơn năm trước mà chủ yếu liên quan đến đề thi.

Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử tại trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cũng cho rằng, điểm chuẩn nhiều ngành năm nay ở ngưỡng cao ngất ngưởng. Theo thầy Hiển, nguyên nhân phần lớn do đề thi tốt nghiệp THPT tương đối dễ, xuất hiện mưa điểm 10 ở nhiều môn, đặc biệt là các môn khối C, dẫn đến điểm chuẩn khối thi này tại nhiều trường xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng 30 điểm. Bên cạnh đó, hiện nay các trường đại học đều tự chủ tuyển sinh, tuyển theo nhiều phương thức khác nhau, khi có tổng chỉ tiêu không đổi, số lượng chỉ tiêu chia cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này tăng cao hơn.

Báo Tiền phong dẫn lý giải thêm về nguyên nhân điểm chuẩn tăng cao từ GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ nên các em chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao. Ví dụ như điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học của trường đứng ở ngưỡng tối đa 30/30 là do chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này rất thấp - 50 chỉ tiêu, trong đó có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia nên chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành này là 1.800 với tất cả các tổ hợp; với tổ hợp C00, tỉ lệ cạnh tranh cao hơn. Một lý do nữa là điểm ưu tiên khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng sau khi cộng điểm ưu tiên (tối đa lên đến 2,75) vượt qua ngưỡng 30/30. "Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa, mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30", ông Tuấn nói.

Tại ĐH Hồng Đức có điểm chuẩn kỷ lục khi lấy 30,5/30 điểm. TS Hoàng Nam, Phó Hiệu trưởng nàh trường cho biết, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của trường sở dĩ ở mức kỷ lục là do chỉ có 15 chỉ tiêu. Trong khi đó, điểm thi năm nay khá cao, thí sinh của Thanh Hóa được cộng điểm khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên rất đông.