Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở chung cư

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Việc đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các chung cư cao tầng đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình.

Bên cạnh sự tiện ích, môi trường sống hiện đại thì trẻ em sống tại chung cư cũng tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn thương tích. Tăng cường các biện pháp an toàn, nâng cao nhận thức của phụ huynh và quản lý chặt chẽ không gian sống là điều cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi các tai nạn đáng tiếc. 

Nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích tại chung cư

Đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở chung cư - 1

Ngày 30/9 vừa qua, tại một chung cư cao cấp trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn khiến một bé trai 5 tuổi tử vong do rơi từ tầng cao xuống đất. Được biết, thời điểm xảy ra vụ việc, bố mẹ của bé trai không có nhà.

Nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm này rất có thể là trong lúc đi tìm bố mẹ, cháu bé đã đi ra ban công và không may rơi xuống. Đây cũng là điểm chung của rất nhiều vụ tai nạn, khi trẻ ngủ dậy không thấy bố mẹ nên đã trèo qua cửa sổ, lan can để đi tìm và không may rơi xuống đất từ tầng cao.

Trước đó, vào tháng 5/2023, một bé gái 4 tuổi đã rơi từ tầng 12 chung cư ở khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Bé gái này sau khi tỉnh dậy do không có ai trông nom tại thời điểm đó nên đã bò ra lỗ bảo hiểm ở ban công. Bé gái đã được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Vụ việc gây rúng động cộng đồng và là hồi chuông cảnh tỉnh về việc đảm bảo an toàn tại các chung cư.

Không chỉ nguy cơ ngã mà tình trạng trẻ em bị các “vật thể lạ” từ các tầng cao của chung cư rơi vào gây thương tích cũng thường xuyên xảy ra.

Tại một số khu chung cư, những vật như búa sắt, dao, thớt gỗ, ổ khoá, chậu hoa, gạch, đá, ghế nhựa, chổi, thuốc lá cháy dở… từ ban công các căn hộ rơi xuống gây nguy hiểm sức khỏe và tính mạng cho người ở dưới. 

Không hiếm trường hợp trẻ em bị vỡ đầu, sứt mặt, gãy tay, thậm chí là tử vong do những vật này rơi vào. 

Tối 13/9/2024, một bé gái đang vui chơi dưới sân chung cư thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội bất ngờ bị một vật cứng từ tầng cao rơi trúng đầu và gây chấn thương nặng. Vụ việc này gây bức xúc trong dư luận xã hội vì hành vi thiếu ý thức, coi thường tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em. 

Những lưu ý giúp đảm bảo an toàn cho trẻ

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đa phần các vụ tai nạn trẻ em rơi, ngã tại chung cư thường là trẻ dưới 6 tuổi và gia đình mới chuyển đến sinh sống nên chưa làm quen và thích ứng với môi trường sống.

Do đó, trước khi chuyển đến sống tại chung cư, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để tìm hiểu những nguy cơ tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ và hướng dẫn con thực hiện những biện pháp phòng chống. 

Điều này rất cần thiết không chỉ với trẻ đang sống hoặc mới chuyển đến chung cư mà ngay cả những gia đình không sống tại chung cư. Bởi qua nhiều vụ việc cho thấy, khi trẻ đến chơi nhà bạn tại chung cư rồi vô tình gặp nạn do chưa nhận biết những nguy hiểm tiềm ẩn nơi đây. 

Một số nguy cơ phổ biến có thể kể đến bao gồm:

Đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở chung cư - 2
Cần nâng cao ý thức của tất cả mọi người để đảm bảo an toàn cho các trẻ em tại các khu chung cư (Ảnh minh họa)

Rủi ro từ cửa sổ

Nhiều gia đình có thói quen kê giường ngủ, tủ quần áo, bàn học của trẻ ngay dưới cửa sổ. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi trẻ leo trèo để mở cửa sổ rồi có thể bị rơi ra ngoài. Nếu điều kiện bắt buộc phải làm, hãy bố trí tấm song sắt chắn cửa sổ. Tuy nhiên, chúng cần có khả năng đóng mở để khi có hỏa hoạn, cháy nổ, các thành viên trong gia đình có thể thoát hiểm.

Ban công là khu vực nguy hiểm

Với trẻ nhỏ, ban công chính là nơi nguy hiểm nhất. Do đó, lan can ban công cần được thực hiện theo một số tiêu chí bắt buộc: Chiều cao không được thấp hơn 1,3m. Các thanh lan can cần được đặt theo chiều dọc, cách nhau không quá 10cm để trẻ không có chỗ trèo và chui ra.

Trên sàn ban công không nên để chậu hoa, máy giặt, ghế hay các vật dụng khác khiến trẻ nhỏ dễ dàng trèo lên hoặc để trẻ tiện tay ném xuống dưới gây tai nạn cho người khác. Cửa ngăn cách nhà với ban công nên được chốt khoá khi không có người lớn ở nhà. 

Nguy cơ cháy nổ, rò rỉ khí gas

Các nhà chung cư, đặc biệt là các tòa nhà cũ, thường có nguy cơ cháy nổ hoặc rò rỉ khí gas cao. Trẻ em thường không hiểu rõ về nguy cơ này và dễ dàng tiếp xúc với các nguồn lửa, vật dễ cháy hoặc hệ thống điện. Vì vậy, các gia đình cần có những biện pháp đảm bảo an toàn điện, ga; trang bị cho trẻ những kỹ năng an toàn, kỹ năng thoát hiểm nếu xảy ra cháy nổ. 

Sử dụng thang máy đúng cách và an toàn 

Thang máy trong khu chung cư là điều bắt buộc để di chuyển. Cha mẹ không được để trẻ tự do vào thang máy vì có thể gặp nguy hiểm, gây thương tích như bị kẹt tay, kẹt chân, vấp ngã, chóng mặt, ám ảnh về không gian hẹp...

Trẻ em cần được hướng dẫn để biết cách xử dụng và xử lý trong tình huống khẩn cấp khi đi thang máy. Lưu ý: Với trẻ thấp hơn vị trí các nút điều khiển, cha mẹ không nên để trẻ đi thang máy một mình.

Giám sát trực tiếp

Mặc dù tất cả các biện pháp an toàn cho căn hộ đã sẵn sàng, nhưng các bậc cha mẹ tuyệt đối không được để trẻ ở nhà một mình trong căn hộ chung cư, đặc biệt với trẻ em dưới 6 tuổi.

Cho dù bạn đã lắp đặt camera để theo dõi trẻ ở trong nhà thì cũng không thể thay thế được vai trò giám sát trực tiếp của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Trong trường hợp bất khả kháng, hãy nhờ hàng xóm hoặc người nào đó có thể tin tưởng trông trẻ. 

Thường xuyên nhắc nhở trẻ về những nguy hiểm 

Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở để trẻ không nghịch ngợm, leo trèo ở những khu vực nguy hiểm; hướng dẫn trẻ thực hiện đúng hướng dẫn nội quy, biển báo tại các khu vực cấm.

Việc nhắc nhở thường xuyên mỗi ngày sẽ giúp trẻ hạn chế được các ham muốn bột phát khi không có cha mẹ ở bên cạnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần thực hiện nghiêm túc quy định không treo, móc hoặc để các đồ vật có nguy cơ rơi xuống gây tai nạn thương tích cho người ở dưới.

Hiện nay, các chung cư cao tầng luôn là sự lựa chọn của các hộ gia đình bởi chi phí phù hợp và nhiều thuận tiện. Nhưng mọi nguy hiểm đều có thể xảy ra quanh cuộc sống chúng ta mà đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Vì thế, các bậc cha mẹ phải luôn đề cao cảnh giác, trang bị cho mình, cho con những kiến thức cần thiết để bảo vệ trẻ an toàn khi ở các chung cư cao tầng.

Các gia đình cũng cần phối hợp với ban quản trị chung cư tổ chức các chiến dịch để nhắc nhở tất cả cư dân nơi sinh sống về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho cư dân sống tại chung cư.

Quang Châu

Ấn phẩm Vì trẻ em số 19

Tin liên quan
Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

(VTE) - Những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn chú trọng ưu tiên nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ...