Việc xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai, đảm bảo an toàn nhất cho người dân, đặc biệt là ở khu vực miền núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Ám ảnh nỗi đau do lũ quét và sạt lở đất
Hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, cuốn theo bùn nước xuất hiện khắp triền núi ở nhiều tỉnh, thành; hàng trăm người tử vong vì sạt lở và lũ quét, ước tính thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng… Đó là toàn cảnh sơ bộ về thảm họa thiên tai sau bão Yagi hồi đầu tháng 9 ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trước đó, nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực miền Trung như: Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế), Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An)… khiến nhiều người thiệt mạng, nhà cửa, tài sản trôi sông, đổ suối. Sau thiên tai, nhiều người dân không thể trở về nhà.
Ngay cả những vụ sạt lở trước đó ở khu vực miền Trung cũng vậy, bản làng bị xóa sổ, không ít người đã phải ở nhờ, ở trọ suốt thời gian dài sau đó. Sau mất mát lớn nhất là tính mạng con người thì việc thiếu chỗ an cư sau thiên tai là nỗi lo thường trực, âm ỉ của người dân.
Gần 4 năm kể từ vụ lũ quét kèm lở đất xảy ra tại Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), dù người dân đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới nhưng nỗi ám ảnh về thời điểm đó vẫn luôn hiển hiện.
Trong phút chốc, cuộc sống bình yên tại thôn 1 và 2 (xã Trà Leng) bỗng bao trùm tang thương, đau đớn giữa màn mưa trắng xóa. Đến nay vẫn còn nhiều người chưa được tìm thấy.
Ông Hồ Văn Đề (65 tuổi, xã Trà Leng) mất 8 người thân trong trận sạt lở kinh hoàng vào tháng 10/2020 nhớ lại: “Thảm họa ập xuống quá bất ngờ khiến mọi thứ tan hoang. Con trai, con gái, con rể, cháu tôi đều đã mất. Bây giờ, gia đình tôi đã được định cư yên ổn trên vùng đất mới Bằng La với điều kiện đầy đủ, an toàn hơn. Thế nhưng mỗi khi có mưa lớn, tôi lại cảm thấy run sợ”.
An cư là mơ ước của người dân và là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền. Nhưng việc bố trí di dân theo hình thức tái định cư hoặc xen ghép cũng không đơn giản.
Thực tiễn tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng, vùng miền núi của cả nước nói chung có rất nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Điều này đặt ra vấn đề cần một chương trình bài bản, căn cơ để di dời, tái định cư, không để tính mạng người dân đặt cược vào sự bất thường của thời tiết.
Công tác dự báo phải đi trước, ưu tiên
Muốn làm tốt công tác phòng ngừa sạt lở đất và lũ quét để kiến tạo những cộng đồng an toàn trước thiên tai thì công tác dự báo phải được ưu tiên.
PGS, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng: “Việc đầu tư công nghệ hiện đại và thiết lập các hệ thống tự động cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các vùng có nguy cơ cao rất cần thiết. Những đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.
Mặt khác, cần có những khảo sát, đánh giá lại để khoanh vùng bản đồ sạt lở đất và lũ quét một cách chi tiết hơn, cập nhật kịp thời hơn nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của các cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) và nhân dân”.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng cần có chiến lược bài bản, căn cơ để bố trí ổn định chỗ ở cho người dân trong vùng nguy cơ, vùng nguy cơ cao của sạt lở đất và lũ quét.
Tuy nhiên, góc độ này lại vấp phải 2 yếu tố rất khó khăn là quỹ đất và kinh phí. Việc bố trí tái định cư là nhu cầu lớn nhưng trong quá trình thực hiện vừa phải cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc thiếu quỹ đất (hoặc vùng bố trí tái định cư không phù hợp) khiến khó chồng khó. Vì thế, trong khi phải chờ ngân sách, người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai vẫn phải tiếp tục điệp khúc “chờ” được tái định cư.
Quảng Nam là một trong những địa phương từng chịu hậu quả nặng nề từ sạt núi, lở đất. Đến mùa mưa lũ, nơi đây lại canh cánh nỗi lo lũ quét, sạt lở núi. Từ thực trạng thiên tai những năm gần đây, các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đã chủ động tìm giải pháp ứng phó, hạn chế rủi ro cũng như hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ và sạt lở đất.
Ông Võ Hồng Siêu, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, địa phương luôn xác định, thiên tai có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục.
Hàng năm, ngoài phương án phòng, chống thiên tai chung của huyện thì dựa theo đặc thù, mỗi xã đều có thêm các phương án riêng, chủ động trong mọi tình huống.
Trong đó, chủ yếu là xác định những vùng có nguy cơ sạt lở và vị trí để sơ tán dân như: Trụ sở làm việc của ủy ban, trường học, những nhà kiên cố. Trước khi mưa bão xảy ra, chính quyền địa phương sẽ tiến hành kiểm tra ở các khu dân cư, trên đồi núi nếu xuất hiện các vết nứt thì nhanh chóng đưa người dân đến nơi an toàn.
Cùng với việc kiểm tra, vận động sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, huyện Nam Trà My chỉ đạo các xã vận động người dân, cửa hàng kinh doanh tích trữ lương thực tại chỗ, không để xảy ra tình trạng thiếu đói khi có thiên tai.
Bên cạnh đó, địa phương huy động phương tiện, máy móc của các doanh nghiệp ứng trực ở các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở để giải phóng bước đầu, không để xảy ra tình trạng các khu vực dân cư bị cô lập nhiều ngày.
Kinh nghiệm của Quảng Nam cho thấy, phải thực hiện tốt “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Những nơi nào không làm tốt “4 tại chỗ” thì khi xảy ra thiên tai, bão lũ bị thiệt hại nặng và quá trình khắc phục cũng lâu dài hơn, gây khó khăn lớn nhất cho đời sống nhân dân. Do đó, “4 tại chỗ” phải thực sự mạnh, rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ. Cùng với công tác ứng phó, tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư để di dời người dân ở các vùng sạt lở.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 138