Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt hóa phim ngoại: Thiếu kịch bản hay vì doanh thu?

(Dân sinh) - Sau thành công vang dội của phim trăm tỷ "Em là bà nội của anh", điện ảnh Việt đã chứng kiến cuộc đổ bộ rầm rộ của hàng loạt bộ phim remake (phim Việt hóa), trên cả địa hạt điện ảnh và truyền hình...

Không thể phủ nhận sức hút của dòng phim remake (phim Việt hóa), nhưng việc mãi chạy theo trào lưu này, liệu bao giờ điện ảnh Việt mới thôi đi sau và là cái bóng của điện ảnh nước ngoài, vốn không ngừng phát triển và đổi mới?

Vực dậy doanh thu phòng vé

Những tưởng "làn gió" remake sẽ chững lại, nhưng trong một năm điện ảnh Việt chịu rất nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì phim remake lại đang vực dậy doanh thu phòng vé. Đặc biệt năm nay, tình hình rạp chiếu thế giới và trong nước rơi vào cảnh đìu hiu vì hầu như tất cả các phim bom tấn đã hoãn chiếu vô thời hạn. Thế nhưng, rạp Việt tháng vừa qua có doanh thu 100 tỷ từ bộ phim làm lại mang tên "Tiệc trăng máu" chỉ sau 2 tuần công chiếu.

Việt hóa phim ngoại: Thiếu kịch bản hay vì doanh thu? - Ảnh 1.

Trong năm 2020, hai bộ phim Việt Nam ra rạp là những tác phẩm làm lại từ các kịch bản nổi tiếng của Hàn Quốc: "Bằng chứng vô hình" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), và "Tiệc trăng máu" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) đều được đánh giá cao. Riêng với Nguyễn Quang Dũng, đây là bộ phim làm lại thứ hai của anh có doanh thu khả quan sau "Tháng năm rực rỡ" cũng làm lại từ một bản gốc Hàn.

Các kịch bản được làm lại đều là những tác phẩm nổi tiếng, gây cơn sốt trên khắp Châu Á trong nhiều năm qua. Còn riêng trên sóng truyền hình, phim "Nhà trọ Balanha" vừa mới kết thúc cũng được Việt hoá từ tác phẩm "Welcome to Waikiki" của Hàn Quốc.

Việt hóa phim ngoại: Thiếu kịch bản hay vì doanh thu? - Ảnh 2.

Chưa nói đến câu chuyện thành công về mặt doanh thu, chúng ta thấy dòng phim remake có "đất sống", dù đã có giai đoạn chững lại, bởi điện ảnh Việt Nam đang khủng hoảng những kịch bản hay, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày một đa dạng. Vậy nên, việc làm lại những bộ phim của nước ngoài là hướng đi an toàn và luôn có một phân khúc riêng.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ: "Với tôi, yếu tố quan trọng khi chọn một dự án remake đó là kịch bản hay, mình có cảm xúc, phù hợp khả năng, ê-kíp và điều kiện làm việc. Thật ra khi được đề nghị remake thì 90% là tôi sẽ từ chối, trừ khi kịch bản rất thú vị. Remake không phải là xu hướng mà hiện nay nó như một sự ứng phó, bù đắp cho thị trường đang phát triển rất nhanh mỗi năm mà nhân lực và đào tạo chưa phát triển kịp".

Trong khi đó, TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết: Chọn kịch bản phim nước ngoài thành công rồi remake thành phim Việt không phải là cách mà Cục Điện ảnh khuyến khích. Tuy nhiên, sở dĩ phim remake vẫn đều đều sản xuất hàng năm đơn giản bởi: Điện ảnh Việt Nam thực sự khủng hoảng những kịch bản hay, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày một đa dạng. Vậy nên, việc làm lại những bộ phim của nước ngoài là hướng đi an toàn và luôn có một phân khúc riêng.

Các phim chiếu rạp được sản xuất dựa theo kịch bản từ nước ngoài, có doanh thu cao của điện ảnh Việt những năm qua có thể kể đến: "Tháng năm rực rỡ", "Em là bà nội của anh", "Sắc đẹp ngàn cân", "Yêu đi đừng sợ", "Yêu em bất chấp" (làm lại từ các kịch bản phim của Hàn Quốc); mới nhất  là "Tiệc trăng máu" như vừa nói ở trên. Sự đổ bộ của "kịch bản Hàn Quốc" vào thị trường phim Việt Nam được các nhà sản xuất lý giải là do sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia cũng như sự yêu thích của khán giả Việt Nam đối với các bộ phim Hàn Quốc nhiều năm qua.

Việt hóa phim ngoại: Thiếu kịch bản hay vì doanh thu? - Ảnh 3.

Vẫn vấp phải thất bại về doanh thu

Nhưng chính yếu tố doanh thu này cũng không được đảm bảo một cách chắc chắn. "Không có gì là chắc chắn thành công khi remake phim nước ngoài. Chúng ta nên chọn những kịch bản có cảm xúc và phù hợp khả năng của mình. Các phim remake thường thu hút và có đất sống là bởi vì vấn đề đặt ra của câu chuyện nó mang tính quốc tế. Tất nhiên, không phải thị trường nào cũng đúng, cũng chấp nhận hoặc không phải ai kể lại cũng truyền tải được tinh thần cốt lõi của câu chuyện hay có góc nhìn để nó trở thành thứ người ta biết rồi mà vẫn thấy thú vị", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.

Doanh thu khó nói trước, bên cạnh đó đã có lúc, phim làm lại không được tham dự các kỳ liên hoan phim, các giải thưởng điện ảnh trong nước. Đến Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các phim làm lại được tham dự giải, song hai hạng mục quan trọng là Phim hay nhất và Kịch bản phim hay nhất sẽ không được trao giải cho các phim có yếu tố ngoại. Như vậy, đã xác định làm phim remake, các nhà sản xuất và ê-kíp rõ ràng chỉ tính đến yếu tố ra rạp và doanh thu, cơ hội tham dự các giải thưởng quốc tế của họ khá xa xôi.

Việt hóa phim ngoại: Thiếu kịch bản hay vì doanh thu? - Ảnh 4.

Việc các đạo diễn Việt khai thác kịch bản phim nổi tiếng nước ngoài luôn gây sự tò mò, háo hức cho khán giả. Họ sẽ đặt ra hàng trăm câu hỏi xoay quanh vấn đề này như việc: Nghệ sĩ Việt nào sẽ vào vai diễn chính của bộ phim mình từng yêu thích, hay kịch bản có được sửa đổi chi tiết nào hay không? Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ để khán giả ra rạp và chờ đón. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng thành công, ngoài một vài phim như "Em là bà nội của anh", hay phim truyền hình "Người phán xử", "Gạo nếp gạo tẻ"… với lượng rating kỷ lục thì cũng đã có khá nhiều bộ phim Việt hóa bị thất bại về mặt doanh thu.

Trước đây, phim "Hậu duệ mặt trời" khi được remake đã khiến khán giả hồi hộp mong chờ. Khi phiên bản Việt lên sóng, diễn xuất và bối cảnh nhiều "sạn" đã khiến khán giả phản ứng và không đạt được thành công như mong đợi. Bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân" do Minh Hằng đóng chính vấp phải nhiều chỉ trích vì không có tính sáng tạo, bê nguyên bản gốc.

Có thể nói áp lực của việc làm lại phim nước ngoài là chuyện không hề dễ. Các đạo diễn và nhà làm phim phải đau đầu cho bài toán đổi mới tình tiết, câu chuyện, bối cảnh của bản gốc để phù hợp với văn hóa Việt, khiến khán giả xem thấy được nét riêng dù biết rằng nó là bộ phim được làm lại từ phim nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà làm phim giải quyết được câu chuyện này thì nó chỉ dừng ở mức trọn vẹn, còn câu chuyện doanh thu là điều khó ai đoán trước được. Bởi dòng phim remake xét cho cùng còn phụ thuộc rất lớn vào việc chọn lựa kịch bản của nhà làm phim và sự sáng tạo của đạo diễn.

Nhưng nhìn rộng ra, phim remake không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, các nhà sản xuất muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay để nhằm kiếm lợi nhuận cao. Phim remake là một thử thách sáng tạo đòi hỏi nhà sản xuất, đạo diễn phải có tay nghề cao, có thể phả linh hồn mới vào cái cũ, mới mà không mất đi cái hay đã "mặc định" của bản gốc.

Hollywood – đế chế phim ảnh hàng đầu thế giới cũng mua bản quyền và làm lại những tác phẩm đã thành danh hoặc nổi tiếng trong khu vực như: "The Departed" (còn có tựa Việt: "Điệp vụ Boston_- làm lại từ "Infernal Affairs" – "Vô gian đạo" của Hong Kong)," "Chicago" ("Rosie Hart"), "Oldboy" (phim Mỹ remake từ phim Hàn "Oldboy"), "The Ring" ("Ringu" - Nhật)… và rất thành công, thậm chí vượt xa cả phim gốc.

Phim remake dẫu là một món ăn hấp dẫn thì cũng đến lúc khán giả sẽ ngán. Đây là phương pháp tạm thời cho những tháng ngày điện ảnh Việt thiếu kịch bản. Và nhất là ở thời điểm này, do ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19 thì việc remake được xem là phương án an toàn của các nhà làm phim. Tuy nhiên, chọn lựa phim để remake không phải dễ, như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói, nếu không khéo dễ bị phản tác dụng ngược và trở thành "bom xịt".