Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Yên Bái: Vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, nhiều đơn vị được thưởng 500 triệu đồng

(Dân sinh) - Với thành tích hoàn thành và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, năm 2019, nhiều đơn vị sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái như huyện Mù Cang Chải, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo đã được thưởng cao nhất mức 500 triệu đồng.

Thưởng 500 triệu cho đơn vị vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2019 Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Chương trình hành động để thực thi nhiệm vụ chính trị của năm theo phương thức giao nhiệm vụ khoán sản phẩm. Đồng thời hành Bộ tiêu chí để đo lường mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quy đổi ra để tính kết quả. Ví dụ nếu hoàn thành tốt, vượt mức chỉ tiêu 150% các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, đúng và vượt kế hoạch thì được thưởng tương ứng. Ví dụ đối với tập thể mức thưởng cao nhất là 500 triệu nếu hoàn thành trên 150% mức thức thứ 2 là 200 triệu, mức thưởng thứ 3 là 30 triệu đồng.

Yên Bái: Vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, nhiều đơn vị được thưởng 500 triệu đồng - Ảnh 1.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy trả lời PV Báo LĐ&XH

Năm 2019 về địa phương có huyện Mù Cang Chải được mức thưởng cao nhất 500 triệu, có một số huyện được thưởng mức 200 triệu. Đối với các sở, ngành có VP Đoàn Đại biểu QH, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo được thưởng mức cao nhất 500 triệu, một số sở ngành được mức thưởng thấp hơn, còn lại không có thưởng.

Trả lời câu hỏi của PV báo LĐ&XH về các giải pháp trong thời gian tới để tỉnh Yên Bái đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của Vùng vào năm 2030?, Chủ tịch tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã xây dựng bộ 19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH, xây dựng Đảng giai đoạn 2020-2025 theo hướng phấn đấu cao, thuộc vào nhóm các tỉnh khá trong vùng, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo…

Từ đó thực hiện phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện; đồng thời, khuyến khích các sở, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu phấn đấu cao hơn chỉ tiêu được tỉnh giao.

Xác định 3 đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế của Yên Bái, bao gồm đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ quyền lực; tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đồng thời tỉnh Yên Bái đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 19 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện, như tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; tăng cường quản lý phát triển xã hội tiến bộ, công bằng, bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với bảo đảm kỷ cương xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân…

Giải ngân 100% vốn đầu tư công đúng như lời hứa với Thủ tướng Chính phủ

Trả lời câu hỏi về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Đức Duy cho biết, năm nay, ngay khi xảy ra đại dịch covid-19 trong tháng 3, khi chưa có Nghị quyết của chính phủ, tỉnh Yên Bái đã chủ động điều chỉnh kịch bản phát triển KT-XH để ứng phó với dịch Covid-19.

"Chúng tôi xác định rất rõ những lĩnh vực bị suy giảm như dịch vụ, công nghiệp và một phần trong lĩnh vực công nghiệp. Chúng tôi điều chính kịch bản theo phương châm điều chỉnh bổ sung giải pháp, nhưng không thay đổi mục tiêu tổng quát, giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Yên Bái đẩy mạnh sản xuất Nông – Lâm Nghiệp và thủy sản, đầu tư xây dựng để bù đắp cho thiếu hụt một phần dịch vụ và công nghiệp" – ông Duy cho hay.

Yên Bái: Vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, nhiều đơn vị được thưởng 500 triệu đồng - Ảnh 3.

Tỉnh Yên Bái thông xe kỹ thuật đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Đối với nông nghiệp, tỉnh Yên Bái ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất Nông – lâm nghiệp để ứng phó với dịch Covid-19, điều chỉnh đầu tư công 2019, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2020, tổng vốn đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn tỉnh Yên Bái đạt trên 5.300 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2019 (khoảng 4000 tỷ đồng).

Chủ tịch tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Để tập trung chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp mỗi tháng họp 1 phiên chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công. Với những giải pháp quyết liệt, dự kiến đến cuối tháng 9/2020, tỉnh Yên Bái sẽ giải ngân đạt khoảng 65,6%, trong đó khối tỉnh chậm hơn, còn khối địa phương giải ngân rất tốt, có địa phương giải ngân trên 70% như Trấn Yên, Yên Bình. Riêng khối tỉnh, nếu điều kiện thuận lợi thì đến cuối năm nay sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công đúng như lời hứa với Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là mục tiêu để bù đắp cho lĩnh vực công nghiệp của tỉnh".