Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắc Giang: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề

(Dân sinh) - Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tỉnh Bắc Giang đã tích cực, chủ động để ra các giải pháp nâng cao chất lượng qua đào tạo nghề như đổi mới các chương trình đào tạo, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo... Mục tiêu mà tỉnh Bắc Giang đề ra là xây dựng các trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm cấp quốc tế, khu vực và quốc gia.


Bắc Giang:  Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề  - Ảnh 1.

Thực hành nghề công nghệ ô tô Trường CĐ nghề công nghệ Việt Hàn

Tính đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh Bắc Giang có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (trong đó có 2 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 15 trung tâm GDNN và 16 cơ sở hoạt động GDNN). Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của các trường nghề nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng gặp không ít khó khăn, một phần do tâm lý của xã hội còn đặt nặng vấn đề bằng cấp, chưa coi trọng việc học nghề; công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong trường phổ thông chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo không cao, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, nên cũng không khuyến khích học sinh học nghề… vì vậy, học nghề có thể coi là lựa chọn cuối cùng khi các em không thể vào được đại học.

Để thay đổi cách nhìn của xã hội về học nghề, các cấp, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến các cơ chế, chính sách dạy nghề cũng như hiệu quả của việc học nghề, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: In ấn, cấp phát tờ rơi, áp phích; đăng tải các bài viết, phóng sự; tổ chức các buổi tọa đàm về công tác đào tạo nghề… Trong đó, chú trọng hơn đối với các địa bàn xa trung tâm, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng cao từng bước tiếp cận chính sách về đào tạo nghề, nắm được kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh và các cơ sở GDNN trong tỉnh để tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD&ĐT, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp GDNN cho học sinh cuối cấp THCS, THPT phù hợp điều kiện thực tế và kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở GDNN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh bằng nhiều hình thức, tăng cường tư vấn tuyển sinh online ngoài giờ học chính khóa.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN và củng cố, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN đáp ứng yêu cầu đào tạo. Kịp thời triển khai, hướng dẫn các cơ sở GDNN, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về GDNN, trong đó có chính sách học phí, học bổng cho người học nhằm khuyến khích và thu hút học sinh tham gia học nghề. Những năm gần đây, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã chủ động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, phối hợp với các trường phổ thông, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện hiệu quả công tác này. 

Ngoài cập nhật chương trình học, trang bị cơ sở vật chất phù hợp thực tế, các trường nghề đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đầu ra. Riêng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn hiện có hơn 3 nghìn học sinh, sinh viên theo học các hệ cao đẳng và trung cấp nghề. Hàng năm, nhà trường tiến hành tiếp xúc doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu trước khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh trong đào tạo gắn với doanh nghiệp, để sinh viên có thêm môi trường thực hành nâng cao kỹ năng tay nghề. Hiện đơn vị đang liên kết với hơn 50 doanh nghiệp, trường đại học trong nước và quốc tế với các nghề: May mặc, điện tử, điện dân dụng, công nghệ thông tin... để đảm bảo 100% sinh viên năm thứ 2, 3 được đi thực tập tại doanh nghiệp. Năm học 2019 - 2020, đã có hơn 1.600 lượt sinh viên được thực tập tại các tập đoàn lớn: Samsung Display, Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Canon Việt Nam… với mức hỗ trợ từ 5,5 - 7,2 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của trường đạt hơn 95%, với mức thu nhập trung bình từ 9 - 14 triệu đồng/tháng, có trường hợp lên tới 24 triệu đồng/tháng. Hầu hết sinh viên được đánh giá có kỹ năng và tác phong công nghiệp tốt, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Với việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong GDNN, những năm qua, chất lượng và số lượng học sinh được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng được khẳng định, từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Trung bình mỗi năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ là 35.875 người với 109 ngành nghề, lĩnh vực (tăng 6.095 người so với quy mô năm 2015); trong đó, trình độ cao đẳng là 1.330 người/năm, trình độ trung cấp là 5.005 người/năm và trình độ sơ cấp là 29.540 người/năm. Tỷ lệ sau khi tốt nghiệp có việc làm cao: Trình độ cao đẳng và trung cấp đạt trên 90%, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên đạt trên 80%. Đối với trình độ cao đẳng của một số ngành nghề trọng điểm: Điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang đã đề ra nhiều giải pháp như: Tăng cường thông tin và truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đối với việc phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Chú trọng phát triển, triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động khởi nghiệp trong GDNN. Bên cạnh đó, đổi mới chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN theo hướng nâng cao năng lực thực hiện; đẩy mạnh đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ; triển khai đào tạo cho học sinh, sinh viên của các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài; triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo, quản trị nhà trường; đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ trong GDNN.

Bắc Giang:  Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề  - Ảnh 2.

Thực hành nghề điện tử

Với các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN phải phấn đấu tuyển sinh và đào tạo nghề cho 147.500 người (trung bình 29.500 học sinh, sinh viên, người học nghề/ năm). Quy mô tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở GDNN tăng từ 28.500 năm 2021 lên 31.300 vào năm 2025. Lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 15.000 năm 2021 lên 18.000 vào năm 2025, đảm bảo phù hợp với quy mô đào tạo từng bước được nâng lên theo quy hoạch cơ sở GDNN của các trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%). Trên 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trên 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp và trên 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2025, phát triển Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn đủ điều kiện, tiêu chuẩn cả về quy mô và chất lượng đào tạo là trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; các trường có nghề được đầu tư trọng điểm đảm bảo đầu ra đào tạo theo chuẩn quốc gia và khu vực.