Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh không thừa nhận sai

Chiều 4/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên xử Phan Văn Anh Vũ cùng 20 bị cáo trong vụ án thâu tóm đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng. Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát đối với ông Trần Văn Minh, cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Bị cáo Văn Hữu Chiến (Ảnh: Báo Vietnamnet).

Bị cáo Văn Hữu Chiến (Ảnh: Báo Vietnamnet).

Thông tin trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, trong phiên tòa ngày 3/1, các bị cáo là cấp dưới đều thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và khẳng định chủ trương, chỉ đạo của cấp trên là vi phạm. Tuy nhiên, bị cáo Trần Văn Minh lại luôn khẳng định mình đúng, do vậy cần phải làm rõ điều này.

Kiểm sát viên nhiều lần đặt câu hỏi với ông Minh, rằng 22 dự án nhà đất công sản trong vụ án này có phải là tài sản nhà nước hay không.

Cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận đây là tài sản nhà nước, nhưng không thuộc diện nhà ở nên không phải đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 61/1994 như cáo trạng truy tố. Bởi các công ty mua lại để kinh doanh chứ không phải ở.

Viện kiểm sát dẫn lại lời khai của ông Minh trong ngày xét xử trước đó về việc trích dẫn Nghị định 38/2000 để cho rằng việc giảm 10% tiền sử dụng đất là phù hợp. Tuy nhiên, theo Viện kiểm sát, nghị định này là hướng dẫn thực hiện Luật đất đai năm 1993, trong khi đó 22 dự án nhà đất công sản trong vụ án này được xác định sai phạm từ năm 2004-2014, áp dụng theo Luật đất đai năm 2003.

"Phải chăng bị cáo đang đưa ra và áp dụng một văn bản pháp lý cũ?" – đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi, đồng thời cho biết Nghị định 38/2000 về sau đã được thay thế bằng Nghị định 198/2004, trong đó có việc bỏ giảm từ tiền sử dụng đất. Đáp lời, ông Minh thừa nhận Nghị định 38/2000 đến năm 2004 hết hiệu lực, tuy nhiên sau đó Thủ tướng có một quyết định trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị cho Đà Nẵng cơ chế về ngân sách….

Bị cáo Minh viện dẫn Quyết định 140/2008 của Thủ tướng về việc cho phép được bán chỉ định dự án công sản cho các đơn vị đang thuê. "Chúng tôi chỉ dựa vào Quyết định 140 mà thôi…" – ông Minh nhấn mạnh.

Cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho rằng đây là sự sáng tạo của Đà Nẵng.

Ngay sau phần trả lời của ông Minh, đại diện Viện kiểm sát đề nghị giám định viên tư pháp của Bộ xây dựng giải thích cho Hội đồng xét xử hiểu hơn việc TP Đà Nẵng áp dụng các quy định để bán nhà đất công sản trong vụ án này là trái quy định. Theo đó, giám định viên cho biết ngày 1/11/2007, UBND TP Đà Nẵng có quyết định do ông Minh ký. Trong đó, điều 1 của quyết định này có nêu: "Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện đang cho các tổ chức, cá nhân thuê ở khi được TP phê duyệt bán nhà hoặc chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền một lần…"

Điều này trái với Nghị định 61/1994. Bởi những người đang thuê nhà ở của nhà nước thì được mua, nhưng khi mua thì phải theo các quy định của Nghị định 61/1994. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng lại thực hiện bán theo diện công sản, trái với quy định pháp luật.

Giám định viên cũng nhắc tới Nghị định 38/2000 – quy định mà ông Minh viện dẫn để cho rằng việc giảm 10% tiền sử dụng đất là hợp lý.

Theo giám định viên, tháng 10/2004, nghị định này hết hiệu lực, thay thế bằng Nghị định 198/2004. Do vậy các quyết định của Chủ tịch UBND TP sau thời điểm này là trái với Nghị định 198 vì Nghị định 198 không quy định việc giảm tiền sử dụng đất.

Tương tự, với Quyết định 140/2008 mà cựu chủ tịch Đà Nẵng đưa ra, có ba trường hợp được bán nhà đất công sản chỉ định. Thứ nhất là sau thời hạn thông báo đấu giá mà chỉ có một tổ chức tham gia. Thứ hai là bán để phục vụ mục đích xã hội hóa. Thứ ba là bán cho những tổ chức cá nhân đang thuê cơ sở nhà đất đó nhưng với điều kiện phải nằm trong phương án tổng thể sắp xếp đã được phê duyệt, và phải là Sở Tài chính thẩm định giá để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

"Nếu bán mà không đáp ứng đủ các điều kiện đó thì có nghĩa là trái với quyết định của Thủ tướng" – giám định viên nói.

Trong khi đó, liên quan đến bị cáo Văn Hữu Chiến, báo điện tử VOV.VN cho biết, tại dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn 2011 đến 2014) bị cáo buộc có hành vi ký quyết định về việc thu hồi, giao cho công ty Cổ phần Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ diện tích 29 ha này không đấu giá quyền sử dụng đất.

Để thâu tóm dự án này, Vũ chỉ mất 87 tỷ đồng. Trong khi theo Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương, dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước hiện nay có giá trị 4.788 tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa giá trị thực và giá bán cho Phan Văn Anh Vũ đã gây thất thoát cho Nhà nước.

Bị cáo Văn Hữu Chiến còn ký công văn cho phép công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất và giảm 10% tiền sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Khi Hội đồng xét xử hỏi trách nhiệm của bị cáo khi ký các công văn, quyết định này, bị cáo Văn Hữu Chiến trình bày: "Có hai cơ quan tham mưu cho bị cáo rà soát rồi mới trình, thì bị cáo ký. Thời điểm đó, cả TP Đà Nẵng như một đại công trường, không thể kiểm tra từng nhà, từng dự án được".

Nói về mức giá 87 tỷ đồng (giá mà Phan Văn Anh Vũ mua dự án), ông Chiến cho rằng, đó là giá các cơ quan tham mưu trình lên, bị cáo ký theo giá tham mưu.