Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Hơn 50% số trường tiểu học chọn sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều

Thống kê cho thấy, các trường học ở Thủ đô Hà Nội đa phần chọn bộ SGK Cánh Diều trong số 5 bộ SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học.

SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều đang bị lên án gay gắt khiến phụ huynh hết sức lo ngại khi con em mình đang ở giai đoạn quan trọng nhất. Tuy nhiên, SGK Cánh Diều chỉ là một trong năm bộ SGK và mỗi nhà trường có lựa chọn khác nhau.

Hà Nội: Hơn 50% số trường tiểu học chọn sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều - Ảnh 1.

SGK sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con em mình?

Liên tục các ý kiến chỉ ra những "hạt sạn" về từ ngữ, ý nghĩa, nội dung bài học không thích hợp được phản ánh đối với SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều do GS Nguyễn Minh Thuyết làm chủ biên.

Việc một cuốn SGK cho học sinh mới bắt đầu học chữ lại có nhiều lỗi và không được đông đảo dư luận đồng tình về cách thức lựa chọn nội dung bài học khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng khi không biết SGK sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con em mình.

Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2020-2021, cả nước triển khai 5 bộ SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học. Trong đó, 4 bộ do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên là Cánh Diều của công ty VEPIC phối hợp với Nhà xuất bản ĐH Sư phạm và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM biên soạn.

Với quyền lựa chọn SGK thuộc về nhà trường, hầu hết các địa phương chọn ít nhất 3 bộ SGK trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn cả 5 bộ. Tại Hà Nội, số trường học chọn lựa SGK Cánh Diều cũng lên tới trên 50%. Như vậy, SGK Cánh Diều không tác động đến tất cả học sinh lớp 1 mà chỉ với những trường lựa chọn bộ sách này.

Về những phản ánh không đồng tình với SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu nhưng không thể tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn "sạn".

Sau hơn 1 tháng thực hiện, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia xem xét trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với truyền thống hiếu học của dân tộc, các vấn đề về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người dân. Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý về một cuốn SGK mới, được biên soạn theo chương trình mới, theo phương thức xã hội hóa là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu.

Các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GD&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa việc biên soạn các bài giảng điện tử theo chương trình, SGK mới, từ đó, các thầy cô giáo lựa chọn, tham khảo được những bài giảng tốt nhất, hay nhất và các tài liệu, kiến thức của mình để có các bài giảng phù hợp, bảo đảm yêu cầu của chương trình. Bởi trong cùng một thời gian giảng dạy, nếu thầy cô tạo được hứng thú thì học sinh sẽ không cảm thấy chương trình nặng, không cảm thấy quá tải.