Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã mở hơn 6.000 lớp đào tạo nghề cho gần 220.000 lao động nông thôn.... Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn.


Hà Nội: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã mở hơn 6.000 lớp đào tạo nghề cho gần 220.000 lao động nông thôn. Đối tượng được ưu tiên đào tạo là thành viên gia đình người có công với cách mạng, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất… Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố từ 34,8% vào cuối năm 2010, lên 70,2% vào cuối năm 2020. Đây cũng là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng.

Tuy vậy, quá trình triển khai đề án cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có việc nhiều lao động nông thôn mặc dù được hỗ trợ kinh phí nhưng vẫn không mặn mà học nghề khiến số người tham gia đào tạo nghề những năm vừa qua không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2010 - 2015 là các ngành, địa phương hỗ trợ đào tạo nghề cho 215.000 người, nhưng thực tế chỉ có 132.000 người tham gia. Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu là đào tạo nghề cho 106.130 người và thực tế chỉ hơn 85.000 người theo học.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Hà Nội cũng là đối tượng được quan tâm, ưu tiên của nhiều chính sách khác, nên đa số người lao động đã được tiếp cận với cơ hội học nghề, tạo việc làm; số còn lại có nhu cầu học nghề không nhiều.

Với những người thực sự có nhu cầu học nghề lại thường là lao động chính trong gia đình, phải lao động mưu sinh nên khó thu xếp công việc để học nghề trong thời gian 3 tháng. Hơn nữa, mặc dù được hỗ trợ kinh phí đào tạo, nhưng mức hỗ trợ hiện nay quá thấp (từ 2 đến 3 triệu đồng/người/khóa học), khiến những người có hoàn cảnh khó khăn, dù thấy rõ lợi ích của việc học nghề, họ cũng không thể theo học. Đáng nói, một số nghề được đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học. Sau học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao, chủ yếu do người lao động tự tạo việc làm. Số lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc hoặc bao tiêu sản phẩm còn thấp…

Bà Nhàn cho rằng, việc mở rộng đào tạo nghề nói chung, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan trong bối cảnh kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có cơ hội việc làm, ly nông nhưng không ly hương, bên cạnh việc bám sát nhu cầu của thị trường lao động để tuyển sinh, đào tạo, cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề.

Cùng với đó, Nhà nước có chính sách cụ thể thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Những lao động nông thôn có nhu cầu học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, Nhà nước có chính sách miễn, giảm chi phí đào tạo cho họ.