Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp: “Chìa khóa” để tạo việc làm bền vững

(Dân sinh) - Liên quan đến vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, “làm thế nào để tạo việc làm” bền vững cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: “Muốn tạo việc làm, quan trọng phải tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. Đây chính là chìa khóa để tạo việc làm và giảm nghèo bền vững”.

Chiều nay 6/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Các trưởng ngành tiếp tục đăng đàn trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hết năm 2020 tạo ra việc làm cho 7,8 triệu lao động

Nêu câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ LĐ–TB&XH Đào Ngọc Dung, liên quan đến vấn đề làm sao để tạo việc làm cho công nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang bị giảm việc làm ngày càng nhiều, đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị cho biết các giải pháp nào để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp: “Chìa khóa” để tạo việc làm bền vững - Ảnh 1.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về lao động việc làm

Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu: "Thông tin thị trường lao động hiện đang thiếu sự liên thông giữa các tỉnh, các vùng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa Trung tâm tạo việc làm và các dịch vụ việc làm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân?"

Song song, đại biểu Kim Ngân cũng nêu thêm câu hỏi, hiện nay trình độ học vấn, chuyên môn của thanh niên chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, "Bộ trưởng LĐ-TB&XH nêu rõ hơn tình trạng này", đại biểu đoàn Bắc Kạn nói.

Làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều chịu ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, tư lệnh ngành nhấn mạnh, với sự cố gắng, quyết tâm của các doanh nghiệp, cũng như người lao động, đến nay (theo báo cáo và tổng hợp báo cáo đã gửi đến Quốc hội) dự kiến hết năm 2020, chúng ta tạo ra việc làm cho 7,8 triệu lao động, và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%.

Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thì "đây là cố gắng rất lớn".

"Trong đó tỷ lệ thất nghiệp năm nay tính đến hết quý III là 2,48 %, và khu vực thành thị là 3,63%", với tỷ lệ này, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, có thể nói là sự cố gắng rất lớn, và khẳng định trong tình hình chung này, vẫn có thể thực hiện được.

Tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp: “Chìa khóa” để tạo việc làm bền vững - Ảnh 2.

Đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị cho biết các giải pháp nào để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Quan tâm đào tạo nghề trước, trong và sau, kể cả đào tạo lại

Cũng liên quan đến "làm thế nào để tạo việc làm", cũng như gắn kết giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu thị trường mà đại biểu đặt vấn đề, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng: "Muốn tạo việc làm, quan trọng phải tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp".

"Đây chính là chìa khóa để tạo việc làm và giảm nghèo đảm bảo bền vững", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho biết, kinh nghiệm tất cả các nước thời gian qua và các địa phương cho thấy: "Điều này là quan trọng nhất".

Thứ hai nữa, đối với các doanh nghiệp cũng như quản trị chung, phải tập trung nâng cao chất lượng quản trị nhân lực, rồi yếu tố công nghệ, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp", Bộ trưởng lưu ý thêm, vì thời gian qua, qua thực tiễn cho thấy những doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ, đổi mới quản trị thì đều tạo công ăn việc làm tốt, ổn định cho người lao động.

Tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp: “Chìa khóa” để tạo việc làm bền vững - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội trường phiên chất vấn

"Doanh nghiệp phải có yếu tố đi trước, đón đầu trong một số lĩnh vực. Và vấn đề đào tạo cũng phải chú trọng hơn, đào tạo theo đầu ra, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn công việc, và vị trí việc làm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm.

Song song đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải quan tâm đào tạo trước, trong và sau, kể cả đào tạo lại. Về vấn đề này, cũng phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo nói chung, đặc biệt đào tạo lại cho lao động trong thời gian qua. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai để xây dựng đề án này để trình Chính phủ vào đầu năm 2021.

Tăng cường kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, phải tăng cường kết nối cung cầu, dự báo cung cầu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Về vấn đề này ông cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã giao Bộ LĐ-TB&XH và đang chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT và một số bộ xây dựng Đề án này.

"Chúng tôi đã mời một số chuyên gia nước ngoài hỗ trợ Việt Nam, nhưng mới chỉ xây dựng được dự báo cung cầu ngắn hạn ở một số ngành nghề, lĩnh vực và giúp cho một số địa phương được thực thi dự báo cung cầu lao động. Qua đó, rõ ràng có kết quả hơn, tốt hơn". Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn, việc xây dựng, tăng cường kết nối cung cầu, dự báo cung cầu này cũng mới chỉ là bước đầu ở một số ngành nghề, lĩnh vực. "Vì thế, thời gian tới, cần tập trung đến lĩnh vực này", Bộ trưởng Dung nói.

Bện cạnh đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, hiện đang tập trung thúc đẩy tăng cường kết nối giữa đào tạo với doanh nghiệp.

Cụ thể, thời gian vừa qua, các trường nghề đã bước đầu triển khai có hiệu quả, Bộ trưởng thông tin: "Rõ ràng, những trường kết nối tốt với doanh nghiệp, sinh viên ra trường có việc làm ngay và có thu nhập cao".

"Đây là những vấn đề rất căn cơ, và trước mắt cần chú trọng vấn đề này. Và đặc biệt, thời gian qua, một trong những nguyên nhân là đào tạo chưa gắn với thị trường, chưa gắn với nhu cầu. Đây chính là cốt lõi cần giải quyết trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ thấu đáo các vấn đề đại biểu quan tâm.