Đại dịch đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Một mặt, những người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trì hoãn việc sinh con trong thời điểm bất ổn về tài chính và khủng hoảng. Mặt khác, gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa cách li dự kiến sẽ làm gia tăng mạnh mẽ số ca mang thai ngoài ý muốn của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Theo một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào hồi tháng 3, ước tính 12 triệu phụ nữ đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Đại dịch cũng đã làm lộ rõ và trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới. Cụ thể, bạo lực giới tăng cao trong giai đoạn phong tỏa; nguy cơ diễn ra nạn tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ cũng tăng theo do các chương trình xóa bỏ những thực hành có hại bị gián đoạn. Một số lượng lớn phụ nữ đã phải rời bỏ lực lượng lao động vì những công việc trả lương thấp mà họ thường làm đã bị cắt giảm, kèm theo sự gia tăng trách nhiệm chăm sóc con cái khi trẻ em phải học tập từ xa cũng như chăm sóc người cao tuổi mất khả năng đi lại. Hiện thực này gây bất ổn tình hình tài chính của phụ nữ, không chỉ trong hiện tại mà còn trong dài hạn.
Trước bối cảnh trên, nhiều quốc gia đã thể hiện mối quan ngại ngày càng tăng về việc thay đổi tỷ suất sinh. Trước đây, những cảnh báo liên quan đến tỷ suất sinh đã dẫn đến những vi phạm quyền con người. Tại các khu vực có dân số tăng, những biện pháp chính sách tiêu cực có thể là các chương trình kế hoạch hóa gia đình cưỡng bức và triệt sản. Trong khi ở những khu vực khác, việc tiếp cận biện pháp tránh thai lại bị hạn chế.
Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khuyến cáo chống lại những biện pháp chính sách cực đoan, có thể gây hại nghiêm trọng nếu chúng vi phạm quyền, sức khỏe và quyền lựa chọn của con người. Thay vì thế, UNFPA kêu gọi ưu tiên sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản cho mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin và dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh và nhân khẩu học. Trong đại dịch, những gián đoạn trong cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu. Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng đại dịch có thể bị lợi dụng như một cái cớ để hạn chế hoặc từ chối tạo điều kiện cho việc ra quyết định, quyền tự chủ, tự do đi lại, hoặc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái. Dựa trên kinh nghiệm, UNFPA nhận thấy những biện pháp ứng phó chỉ tập trung vào mức sinh thường không hiệu quả. Ví dụ, hỗ trợ tài chính để khuyến sinh không hiệu quả ở các quốc gia có mức sinh thấp. Thay vào đó, những thay đổi về nhân khẩu học có thể mang lại cơ hội ứng phó toàn diện hơn, chẳng hạn thông qua hệ thống hỗ trợ gia đình và chăm sóc trẻ em kèm theo những nỗ lực đảm bảo mức độ bình đẳng giới cao hơn.
Cuối cùng, phụ nữ phải được trao quyền về giáo dục, kinh tế và chính trị để tự đưa ra những lựa chọn liên quan đến cơ thể mình và mong muốn sinh con của bản thân.